Cốc Ly là xã khó khăn của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, với hơn 97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Xã có diện tích tự nhiên hơn 5.251 ha, trong đó diện tích rừng hiện có gần 1.864 ha. Từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai, số tiền người dân trong xã được nhận từ dịch vụ môi trường rừng là 263 triệu đồng/năm.
Nhờ đó, 349 hộ trong xã có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, có vốn đầu tư phát triển rừng kinh tế. Theo một số hộ dân địa phương cho biết, từ khi nhận khoán bảo vệ rừng, bà con nhận được khoảng 3 triệu đồng/năm thông qua dịch vụ môi trường rừng. Nhiều hộ dân đã lấy số tiền này cùng với tiền vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng quế tại những diện tích đất đồi hoang hóa trước đây và đất trồng ngô kém hiệu quả đã làm diện tích quế của các gia đình tăng từng năm.
Ông Bồng Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, cho biết, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có tiền sinh hoạt, mua con giống, cây giống phát triển kinh tế. Đặc biệt, những hộ nhận khoán bảo vệ rừng trên địa xã trở thành cánh tay đắc lực và là “tai mắt” của chính quyền, lực lượng kiểm lâm trong bảo vệ, phát triển rừng và phòng, chống cháy rừng. Nhờ nguồn thu từ việc bảo vệ rừng, người dân xã Cốc Ly mỗi năm trồng mới khoảng 120 - 150 ha quế.
Tại huyện Bát Xát, nhờ triển khai thực hiện tốt chính sách dịch vụ môi trường rừng mà từng bước nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn, góp phần giữ những cánh rừng thêm xanh. Hiện nay, huyện có gần 12.000 ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng với hơn 6 tỷ đồng/năm. Nguồn dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao đời sống người dân làm nghề rừng, giảm tỷ lệ hộ nghèo và đặc biệt là nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng nên số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp giảm đáng kể.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ năm 2011 và địa phương được chọn là một trong 6 tỉnh thí điểm mở rộng đối tượng thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, nuôi cá nước lạnh và du lịch. Chính sách này đã thu hút lực lượng lao động lớn trong dân, nhất là ở địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn trực tiếp tham gia bảo vệ rừng.
Tổng số diện tích rừng quy đổi theo hệ số “k” của 18 lưu vực chính được hưởng tiền dịch vụ môi trường năm 2021 là hơn 163.364 ha với 18.803 chủ rừng là tổ chức và hộ gia đình. Trong đó, chủ rừng là tổ chức có 125.926,58 ha với 16 chủ rừng; hộ gia đình cá nhân có 37.437,84 ha với 18.679 hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn. Số tiền dịch vụ môi trường chi trả chủ rừng là tổ chức và hộ gia đình năm 2021 là hơn 104,4 tỷ đồng, trong đó chủ rừng là tổ chức hơn 81,6 tỷ đồng; hộ gia đình là hơn 22,8 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Đăng, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lào Cai cho biết, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường cùng các chủ trương, chính sách khác về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý cho các chủ rừng; hạn chế, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép; bảo vệ và phát triển vốn rừng.
Để chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục đi vào cuộc sống, hiện nay Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lào Cai đang tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nội dung Luật Lâm nghiệp đến các chủ rừng, người dân; huy động các nguồn xã hội và sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ, phát triển rừng, giúp những cánh rừng trên địa bàn tỉnh thêm xanh.
Đến hết tháng 8/2022, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lào Cai đã thu dịch vụ môi trường rừng được 104,41 tỷ đồng, đạt 77,4% kế hoạch năm, trong đó thu từ các cơ sở thủy điện hơn 103,2 tỷ đồng; cơ sở xản xuất, cung ứng nước sạch 534 triệu đồng; cơ sở sản xuất công nghiệp 456 triệu đồng; lãi tiền gửi 173 triệu đồng. Từ nguồn dịch vụ môi trường rừng tiếp tục hỗ trợ công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, làm giàu từ rừng cho cộng đồng dân cư và người dân sống gần rừng.