Đồng Nai cũng có vùng trồng trà trứ danh
Mỗi sản phẩm, từ khi thai nghén, ra đời, cho tới lúc bán được ổn định trên thị trường, đều phải trải qua không ít khó khăn, thăng trầm.
Hành trình để trà Phú Hội của hộ kinh doanh Phúc Bảo (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) trở thành sản phẩm được người tiêu dùng khắp nơi biết đến và ưa chuộng, đồng thời đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Đồng Nai, là một câu chuyện dài và thú vị.
Giới trẻ ngày nay khi nói đến trà, thì sẽ nghĩ ngay tới các vùng trồng trà nổi tiếng như Thái Nguyên, Lâm Đồng; nhưng đâu biết rằng, ở vùng đất đầy sông rạch và rừng ngập mặn như Nhơn Trạch từ xa xưa, cũng có một loại trà nức tiếng thơm ngon.
Có lẽ do điều kiện khí hậu, đất đai thổ nhưỡng và nguồn nước, nên trà Phú Hội có mùi thơm đậm, khi uống có vị ngọt thanh, mà theo người sành về trà thì mùi vị khác hẳn với trà Thái Nguyên, hay Lâm Đồng.
Cũng giống trà này, nhưng nếu đưa đến nơi khác trồng, sẽ có mùi vị không giống. Chính vì vậy, các cơ sở chế biến trà không thể thu mua trà tươi ở nơi khác về chế biến. Điều đó làm nên đặc trưng riêng của trà Phú Hội, mà không nơi nào có.
Mặc dù có đặc sản trà ngon như vậy, nhưng do không có doanh nghiệp đầu tư chế biến và quảng bá, nên theo thời gian, trà Phú Hội càng ít người biết đến. Diện tích đất trồng trà ngày một thu hẹp, đặc sản trà của địa phương có nguy cơ mai một.
Trước thực trạng trên, anh Nguyễn Huy Sang - người trồng trà ở địa phương, và cũng là Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội, đã đề xuất lên UBND xã, huyện “dự án Khôi phục và phát triển sản phẩm trà Phú Hội”.
Dự án được chính quyền ủng hộ, thông qua và người trồng trà ở địa phương hăng hái tham gia. Anh Sang cũng vận động thành lập Tổ hợp tác Trồng và kinh doanh trà Phú Hội; đồng thời mở cơ sở chế biến trà thủ công ngay tại nhà, thu mua trà tươi rồi huy động anh em, họ hàng tham gia chế biến sao, đóng gói và phân phối trà.
Để làm ra những gói trà thơm ngon, đúng vị trà Phú Hội, anh Sang tìm đến các bậc cao niên còn nhớ cách sao chế trà truyền thống ở địa phương, để học hỏi, đúc rút kinh nghiệm dần dần. Anh còn được chỉ dẫn bí quyết ướp trà với các loại lá để vừa làm tăng hương vị và bảo quản trà được lâu.
Để có nguồn nguyên liệu chất lượng và an toàn, anh Sang hướng dẫn nhà nông trồng trà theo hướng hữu cơ, bón phân, trị nấm bằng chế phẩm sinh học và không sử dụng hóa chất trừ sâu độc hại.
Sản phẩm trà Phú Hội được đưa đi kiểm nghiệm, kiểm định độ an toàn và chất lượng sản phẩm.
Trà Phú Hội hiện với giá cao (mức dao động từ 700-900.000 đồng/kg trà khô) nhưng vẫn bán rất chạy và có mặt tại các điểm bán hàng nông sản ở các tỉnh, thành: Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Hà Nội và Bà Rịa - Vũng Tàu...
Anh Sang chia sẻ, theo anh được ông bà kể lại, thì cây trà đã được trồng từ thời khai hoang lập ấp, và vùng đất Phú Hội, Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai xưa và nay, cũng có món trà nổi tiếng thơm ngon, đặc trưng. Khi tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, hoặc tiếp xúc khách hàng, anh Sang đều đem câu chuyện về cây trà của làng Phú Hội xưa và nay chia sẻ và được khách hàng thích thú, muốn dùng thử trà. Chất lượng thơm ngon của trà Phú Hội ai từng uống đều công nhận, song có lẽ cái điều mà người ta nhớ lâu nhất là câu chuyện về gìn giữ nét văn hóa trà Phú Hội này, bởi nó gắn liền quá trình gìn giữ khai hoang bờ cõi của các bậc tiền nhân.
Muốn bền vững thì phải tốt
Tại “Hội thảo Kết nối ý tưởng khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2024”, do tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây, chị Trần Thị Hà, Giám đốc Công ty Cohafood, đã chia sẻ thông điệp nói không với hóa chất phụ gia trong sản xuất chả lụa truyền thống để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cũng là cách doanh nghiệp kinh doanh bền vững.
Theo chị Hà, để làm ra sản phẩm chả lụa chất lượng mà không sử dụng hóa chất phụ gia, công ty Cohafood đã tuyển chọn nguồn nguyên liệu thịt lợn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn. Khi chế biến thì dùng thịt lớn vừa mổ, không dùng thịt đông lạnh, để tránh bị vi khuẩn làm thay đổi chất lượng. Sản phẩm chả lụa của công ty cũng không trộn bột mà làm hoàn toàn từ thịt lợn và gói bằng lá chuối (thay vì nilon) nên giữ được độ tươi ngon rất lâu, bởi lá chuối có nhiều chất kháng khuẩn tự nhiên, tác dụng vệ thực phẩm rất tốt.
Cũng theo chị Hà, chả lụa không chất phụ gia cung cấp bữa ăn dinh dưỡng, giữ nguyên hương vị truyền thống và bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Do chỉ sử dụng lá chuối gói nên góp phần tạo đầu ra cho nông dân trồng cây chuối bán lá, đồng thời lan tỏa tinh thần sản xuất thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng.
Đồng Nai có nhiều tiền năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp với tổng diện tích đất sản xuất hơn 270 ngàn ha, với cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng. Tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhà nông và doanh nghiệp phát triển như: Hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn; hỗ trợ xây dựng phát triển sản phẩm OCOP.
Toàn tỉnh hiện có 248 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của 136 chủ thể, phần lớn sử dụng nguyên liệu của địa phương trong sản xuất, chế biến. Mỗi sản phẩm khởi nghiệp đều chứa đựng câu chuyện của riêng mình, và việc chia sẻ câu chuyện của sản phẩm, hay nói nôm na là bán hàng bằng câu chuyện đang được nhiều nhà sản xuất áp dụng làm tăng hiệu quả thu hút khách hàng...