Cao Bằng: Ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc

Cao Bằng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và kết hôn ở trẻ em.

Tỉnh Cao Bằng đã và đang đề ra nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025 ngăn chặn thành công tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hà Quảng là huyện vùng cao, biên giới, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tại các xã vùng cao, tỷ lệ hộ nghèo còn khá lớn. Trình độ nhận thức, dân trí và hiểu biết pháp luật hạn chế. Nhiều tập quán lạc hậu còn tồn tại trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Từ năm 2015-2023, địa bàn huyện có 353 cặp tảo hôn, trong đó, 154 cặp dân tộc Mông, 90 cặp dân tộc Dao… Toàn huyện có 13 cặp hôn nhân cận huyết thống.

Chú thích ảnh
Tình trạng tảo hôn đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xóm Cốc Pàng, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN

Trưởng phòng Dân tộc huyện Hà Quảng Nông Văn Nhất cho biết, huyện đã triển khai 2 mô hình điểm thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 -2025 tại xã Thanh Long (Bình Lãng cũ) và xã Nội Thôn.

Từ kết quả của những mô hình này, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện tổ chức tập huấn cho cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, các xã, thị trấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông vận động, chuyển đổi hành vi…

Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Cao Bằng có 666 cặp tảo hôn (giảm 731 cặp so với giai đoạn 2015 -2020); 310 cặp tảo hôn một người, 356 cặp tảo hôn cả hai người; 56 trẻ em tảo hôn, chủ yếu là dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Nùng; 6 cặp hôn nhân cận huyết thống (giảm 20 cặp so với giai đoạn 2015 - 2020). 

Năm 2023, tỉnh Cao Bằng duy trì 7 mô hình tại các huyện, xã có nhiều nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; xây dựng 4 mô hình tại các huyện, xã có nhiều nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Hạ Lang, Bảo Lạc, Thạch An). Nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên 10 tỷ đồng.

Cao Bằng đặt mục tiêu giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn, số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và kết hôn ở trẻ em; làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra.

Cùng với đó, tỉnh thực hiện có hiệu quả các dự án trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, góp phần nâng cao đời sống, kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

PV
Lâm Đồng quyết định triển khai Đề án Giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Lâm Đồng quyết định triển khai Đề án Giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025”. Kinh phí thực hiện chương trình là 16,99 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN