Các tỉnh miền Tây ứng phó với dịch COVID-19 trong tình hình mới - Bài cuối: Thích ứng để phát triển

Các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang là “điểm nóng” về tình hình dịch COVID-19 của cả nước. Trong bối cảnh đó, các địa phương đã linh hoạt triển khai các giải pháp kiểm soát dịch bằng sự quyết tâm chính trị cao nhất, song song đó là sự đồng lòng từ cộng đồng doanh nghiệp với quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, giữ vững thị trường...

Chú thích ảnh
Người dân Cà Mau tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh tư liệu: Kim Há/TTXVN

Đẩy mạnh công tác hỗ trợ

Thời điểm tháng 10 vừa qua, nhiều địa phương bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, triển khai thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Tuy nhiên đây cũng là thời điểm người dân địa phương trở về quê tăng cao, gây nguy cơ mất cân bằng lao động, thất nghiệp cao trong thời gian tới. Do đó, công tác hỗ trợ người lao động trở về quê, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19… đang được các địa phương tích cực triển khai.

Tại tỉnh Cà Mau, hiện đã có trên 35.000 người dân địa phương trở về quê trong những ngày vừa qua. Nhằm đánh giá nhu cầu thị trường lao động thực tế tại một số công ty xuất khẩu lao động, khu công nghiệp tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, Cà Mau đã thành lập đoàn khảo sát và làm việc với nhiều doanh nghiệp tại đây. Từ đó, địa phương sẽ tập trung quyết liệt tìm giải pháp vận động, ổn định tâm lý, tạo thuận lợi đưa lao động đi làm việc trong nước và ngoài nước trong thời gian tới.

Ông Từ Hoàng Ân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết, qua rà soát ngay sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, có 117 doanh nghiệp cung cấp thông tin nhu cầu tuyển dụng trên 22.000 lao động, trong đó có 10 doanh nghiệp trong tỉnh, nhu cầu tuyển dụng trên 4.000 lao động. “Hằng năm, Cà Mau đã giải quyết việc làm trên 40.000 lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh và lao động làm việc ở nước ngoài trên 21.000 người. Như vậy, lực lượng lao động tỉnh Cà Mau, ngoài việc đáp ứng nhu cầu cung ứng cho các doanh nghiệp tại địa phương, tỉnh còn cung ứng lao động theo nhu cầu tuyển dụng các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố lớn như: Bình Dương, Ðồng Nai, TP Hồ Chí Minh... Vì thế, lực lượng lao động Cà Mau từ các tỉnh, thành phố trở về địa phương trong những ngày qua là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp thu hút kịp thời, đảm bảo nhu cầu tuyển dụng lao động, đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tỉnh Cà Mau trở lại trạng thái bình thường mới”, ông Từ Hoàng Ân chia sẻ.

Thực tế, muốn duy trì và phát triển vững chắc mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động với người lao động, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, ngoài việc phải đảm bảo tuân thủ pháp luật lao động, doanh nghiệp cần phải phối hợp, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để người lao động chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm hoặc bị các rủi ro khác. Có vậy người lao động sẽ yên tâm ở lại quê nhà làm việc, góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế.

Nhằm thực hiện hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo các Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/QĐ-TTg và Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bạc Liêu đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo thời gian 3 tháng cho 530 doanh nghiệp, đơn vị với gần 17.000 lao động và gần 1,7 tỷ đồng. Đồng thời, địa phương cũng thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19 cách ly y tế; hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang Phạm Sơn cho biết, đến nay, tỉnh đã phê duyệt hơn 508 tỷ đồng hỗ trợ hơn 379.000 lao động được hưởng 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ gần 1.600 doanh nghiệp với gần 65.200 lao động, số tiền gần 20 tỷ đồng, đạt 100%; chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 6.285 người, số tiền 23,25 tỷ đồng.

“Thực hiện các nghị quyết và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, qua rà soát đã tiếp cận, thông tin đến 1.376 doanh nghiệp, với 34.971 lao động. Đến cuối tháng 10, chi nhánh đã giải ngân cho 23 doanh nghiệp, với số tiền gần 4,4 tỷ đồng để trả lương cho 1.759 lượt người lao động. Trong đó, giải ngân cho 21 doanh nghiệp vay hơn 4,2 tỷ đồng trả lương ngừng việc cho người lao động và 2 doanh nghiệp vay 153 triệu đồng để trả lương phục hồi sản xuất, với lãi suất cho vay 0%, thời gian vay 11 tháng, khách hàng không cần thế chấp tài sản”, Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang Trần Thế Loan cho biết.

Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, tỉnh An Giang đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm hỗ trợ giúp các doanh nghiệp tiếp cận và cập nhật thường xuyên các chính sách, hàng rào kỹ thuật của các đối tác thương mại ở nhiều thị trường xuất khẩu trên thế giới. Đồng thời tranh thủ các hoạt động tìm kiếm các đối tác để mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường còn nhiều tiềm năng và dư địa xuất khẩu… Ngoài các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ngành công thương tỉnh An Giang còn kiến nghị các ngành liên quan có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Vấn đề này, theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng, dù gặp nhiều khó khăn nhưng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá cao. Trong 9 tháng đầu năm nay tăng 7,35% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ chỉ tăng 3,24%), đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp, thể hiện sự hấp thu vốn khá tốt của các doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, kiến nghị các ngân hàng thương mại cho phép khoanh nợ, lùi thời hạn trả nợ của tất cả các khoản nợ phát sinh trong thời điểm hiện nay ít nhất từ 6-12 tháng, để doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh và dòng tiền; giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ vay hiện tại của các doanh nghiệp trong thời gian giãn cách. Đồng thời, xem xét miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong giai đoạn doanh nghiệp mới quay trở lại hoạt động; xem xét giảm các chi phí điện, nước, nhiên liệu phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh…

Để hoàn thành “mục tiêu kép” từ nay đến cuối năm, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tỉnh giải ngân nguồn vốn ngân sách đạt được 95-100%. Đồng thời, tỉnh rà soát tiến độ giải ngân đối với từng dự án, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân, không hiệu quả sang cho các dự án có khả năng giải ngân cao; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung xử lý quyết liệt các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách, nhằm đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất. Tỉnh đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, khơi thông nguồn vốn, đáp ứng kịp thời vốn cho nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ giá, chất lượng nguyên vật liệu xây dựng, phục vụ cho các dự án đầu tư công.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều thông tin, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp về phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ; tích cực đối thoại với doanh nghiệp, người dân, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ ngay các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách theo tinh thần Nghị quyết số 45/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ. Tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình thúc đẩy phát triển, phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp để chủ động triển khai ngay sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát.

Trước mắt, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xây dựng các phương án trong sản xuất – kinh doanh, tránh tình trạng ứ đọng hàng hóa cục bộ, bảo đảm tiêu thụ, xuất khẩu nông sản – thủy sản thông suốt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Ông Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung đẩy mạnh liên kết vùng thông qua cung cấp đầu mối sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản; rà soát, lập danh sách các công ty, doanh nghiệp về nhu cầu nông sản thu mua, sản lượng thu mua... để phối hợp giữa các tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Bên cạnh đó, tỉnh thống nhất phương thức kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện tối đa cho phương tiện vận chuyển lưu thông khi đáp ứng đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định chung…

Cũng như nhiều địa phương bạn, yêu cầu về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đang được Cà Mau thực hiện nghiêm túc, nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều quy định tạm thời được các ngành chủ động ban hành nhằm chống dịch kịp thời, hiệu quả, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của người dân, cộng đồng doanh nghiệp duy trì sản xuất. Thực tế, vẫn còn nhiều tín hiệu lạc quan, là trợ lực to lớn để địa phương sẵn sàng lấy lại đà tăng trưởng khi dịch bệnh được kiểm soát.

Nhằm chủ động thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi yêu cầu các địa phương trong tỉnh nơi nào có phát sinh dịch thì tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch, còn nơi nào không có dịch phải tập trung cho phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế. Riêng lĩnh vực thu ngân sách, cần khai thác triệt để các nguồn thu với tinh thần phấn đấu tối đa để thu đạt theo dự toán. Các sở, ngành rà soát lại toàn bộ các doanh nghiệp để có những hỗ trợ kịp thời, nhất là trong việc bố trí lao động cho các doanh nghiệp để nhanh chóng phục hồi sản xuất. Đến hết tháng 11, phải hoàn thành việc hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. “Linh hoạt, nhạy bén giữa hai nhiệm vụ phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế”, ông Lâm Văn Bi lưu ý.

Thực tế, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng và gây tổn thất lớn đối với nền kinh tế các địa phương. Trong đó, không ít người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, nhiều doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường, ngưng kinh doanh, sản xuất… Tuy nhiên, trong nguy có cơ, các tỉnh, thành phố miền Tây vẫn đang từng bước thực hiện các giải pháp gỡ khó một cách linh hoạt, kịp thời với mục tiêu trước hết nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, sau đó là chủ động trước các thời cơ, tạo sức bật cho nền kinh tế.

Huỳnh Anh – Nhật Bình – Công Mạo (TTXVN)
Các tỉnh miền Tây ứng phó với dịch COVID-19 trong tình hình mới - Bài 1: Linh hoạt trong kiểm soát dịch
Các tỉnh miền Tây ứng phó với dịch COVID-19 trong tình hình mới - Bài 1: Linh hoạt trong kiểm soát dịch

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, sẵn sàng lấy lại đà tăng trưởng, tạo bứt phá trong điều kiện bình thường mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN