Các địa phương tiếp tục triển khai biện pháp phòng dịch mạnh, quyết liệt

Ngày 29/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine cho các đối tượng theo quy định tại Cung thể thao Tiên Sơn. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Tại cuộc họp, đánh giá cao sự cố gắng của cấp cơ sở vì cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chỉ rõ với tốc độ lây nhiễm như hiện nay thành phố vẫn đang ở nguy cơ cao. Số ca phát hiện đã tăng lên, tốc độ lây nhiễm và nguy cơ trong cộng đồng là khá lớn. Các biện pháp chống dịch Đà Nẵng đang áp dụng đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng so với yêu cầu để ngăn chặn và kiểm soát dịch thì chưa đạt yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị, các cơ quan chức năng không nên máy móc trong việc tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch mà cần chủ động, thực hiện nhanh, quyết liệt hơn nữa. Hiện các biện pháp chống dịch của thành phố Đà Nẵng đang sử dụng cao hơn Chỉ thị 16 của Chính phủ, trong khi nhiều cấp cơ sở cho rằng còn vướng mắc trong vấn đề xử phạt do chưa áp dụng Chỉ thị 16. Do vậy, người đứng đầu các cấp phải nhận thức đúng để triển khai thực hiện.

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, tính từ 13 giờ ngày 28/7 đến 13 giờ ngày 29/7, Đà Nẵng ghi nhận 51 ca nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, có 28 trường hợp đã được cách ly, 5 trường hợp trong khu phong tỏa, 18 trường hợp chưa được cách ly. Ngày 29/7, thành phố tổ chức xét nghiệm cho 51.742 lượt người; đang điều trị 458 bệnh nhân mắc COVID-19.

Đà Nẵng được đánh giá ở nguy cơ dịch bệnh ở mức rất cao khi 47/56 phường xã có ca mắc COVID-19, số ca mắc trong cộng đồng tăng cao trong khi nhiều người vẫn chưa thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; việc xử lý vi phạm còn ít, chưa đủ răn đe; rất ít doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện 3 tại chỗ; các cơ quan chức năng trong phối hợp công tác phòng dịch còn lúng túng...

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, Đà Nẵng đang tiếp tục thần tốc truy vết, xét nghiệm, mở rộng đối tượng xét nghiệm sàng lọc, chuẩn bị đủ các sinh phẩm để xét nghiệm; xây dựng các khu cách ly tập trung mới; vận động khách sạn trên địa bàn tham gia cách ly tập trung; tổ chức tiêm vaccine theo kế hoạch.

Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng Phan Văn Sơn cho rằng, thành phố cần ban hành biện pháp cách ly xã hội cao hơn Chỉ thị 16 của Chính phủ như đóng cửa tất cả các hoạt động trên địa bàn trong vòng 14 ngày gồm cả dịch vụ bán hàng ăn uống mang đi và hoạt động xây dựng cơ bản đang được phép hiện nay. Chỉ cho phép 4 hoạt động thiết yếu gồm: hoạt động của chợ và siêu thị (nhưng không quá 50% các quầy được hoạt động), hoạt động công vụ, công sở nhà nước (duy trì 50% số người làm việc, dừng tiếp nhận tại Tổ “1 cửa”); hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu và hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ thiết yếu. Đối với các doanh nghiệp sản xuất khác, chỉ được hoạt động nếu đáp ứng được “3 tại chỗ”.

*Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID–19 vào chiều 29/7, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, tỉnh thống nhất kể từ ngày 30/7, người dân trên địa bàn tỉnh sẽ đi chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích theo giờ, dự kiến buổi sáng từ 5 giờ đến 9 giờ, buổi chiều từ 15 giờ đến trước 18 giờ.

Chú thích ảnh
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN

Ông Đồng Văn Thanh giao Sở Công Thương chỉ đạo việc cấp phiếu đi chợ cho người dân ở những nơi chưa được cấp, hướng dẫn người dân thực hiện đúng theo yêu cầu về thời gian; Sở Y tế hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống dịch ở các khu chợ; Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền để thông báo cho người dân biết, thực hiện đúng. Các địa phương tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện đi chợ theo khung giờ.

Chủ tịch UBND Hậu Giang cũng đề nghị, các khu cách ly tập trung phải chấn chỉnh ngay việc người đang cách ly còn tiếp xúc gần với nhau trong khu cách ly, đeo khẩu trang không đúng cách, tập trung nhiều người cùng lúc. Thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch ở các khâu chuyển hàng hóa; đảm bảo việc phun khử khuẩn trong khu cách ly. Các địa phương phối hợp thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” đối với trường hợp người dân cư trú ở địa phương này nhưng có đất sản xuất ở địa phương khác, lưu ý phải vừa đảm bảo cho người dân sản xuất, vừa giám sát, đảm bảo người dân thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch. 

Trước đó, để triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Hậu Giang quy định người dân tuyệt đối không ra đường kể từ 18 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, trừ trường hợp cấp cứu, thực hiện công tác phòng, chống dịch và các nhiệm vụ đặc biệt khác.

Tính đến 12 giờ ngày 29/7, tổng số ca mắc và nghi mắc COVID-19 tại tỉnh Hậu Giang là 159 trường hợp; đã điều trị khỏi cho 29 ca. Trong các trường hợp đang điều trị có 4 ca bệnh nặng; các trường hợp còn lại hiện tại sức khỏe ổn định. Ngày 28/7, tỉnh có 624 người được tiêm vaccie phòng COVID-19; đạt 2,38% trong tổng số 26.170 liều vaccine được cấp đợt 3.

*Trước diễn biến rất phức tạp của dịch COVID-19, ngày 29/7, UBND huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu các đơn vị, cơ quan tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, đặc biệt là tại khu vực Cửa khẩu Tân Thanh.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác kiểm tra các chốt phòng chống dịch COVID-19 tại Cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Thái Thuần/TTXVN

UBND huyện Văn Lãng giao cho Đồn Biên phòng Tân Thanh, Đồn Biên phòng Na Hình phối hợp với Công an huyện, các lực lượng khu vực cửa khẩu, UBND các xã biên giới khẩn trương tổ chức rà soát, có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ về phòng, chống dịch COVID-19 đối với lái xe từ các địa phương khác đến các cửa khẩu; đảm bảo 100% phương tiện ra vào cửa khẩu phải được khử khuẩn, 100% người ra vào khu vực cửa khẩu phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, có kết quả xét nghiệm PCR còn giá trị 5 ngày.

Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn chỉ đạo và yêu cầu các công ty vận tải, kho bãi… phối hợp với các doanh nghiệp, lực lượng Biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch rà soát, phân bổ, bố trí chỗ cho lái xe ăn, nghỉ trong thời gian chờ thông quan hoặc chờ kết quả xét nghiệm. Cùng với đó, Ban quản lý cũng cần khẩn trương, chủ động liên hệ với các chủ hàng, có phương án bố trí lực lượng lái xe, trao đổi với lực lượng chức năng của phía Trung Quốc để nhanh chóng triển khai các hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn.

Từ 9 giờ ngày 29/7, tại khu vực Cửa khẩu Tân Thanh tạm dừng một số hoạt động như: hàng quán vỉa hè, quán ăn đêm; các dịch vụ xông hơi, karaoke, spa, phòng tập gym, phòng tập yoga, phòng tập các môn thể dục khác; các hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí đông người; điểm truy cập Internet, trò chơi điện tử; nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ bán hàng cho khách mang về, nghiêm cấm phục vụ khách tại chỗ, dừng các hoạt động tập trung đông người.

UBND huyện Văn Lãng cũng yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp. Với các hoạt động khác như đám cưới, hỏi, đám hiếu không được tổ chức quá 30 người, hạn chế các cuộc họp không cần thiết.

Các cơ sở được phép hoạt động kinh doanh dịch vụ như chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, kinh doanh thực phẩm; trang thiết bị y tế, khám chữa bệnh, viễn thông, xuất nhập khẩu hàng hóa...

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị tháo gỡ vướng mắc phòng, chống dịch COVID-19
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị tháo gỡ vướng mắc phòng, chống dịch COVID-19

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa ký văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải một số khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị của ngành hàng không về phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN