Bước chuyển mình của huyện nông thôn mới Xuyên Mộc

Xuyên Mộc là một huyện vùng sâu, vùng xa nhất và cũng là địa phương xây dựng nông thôn mới có xuất phát điểm thấp nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Sau hơn 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (từ năm 2010 đến nay), Xuyên Mộc có sức bật mạnh mẽ, với 12/12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và Xuyên Mộc đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.

Bước chuyển mình ở huyện Xuyên Mộc

Chú thích ảnh
Một tuyến đường nông thôn mới tại xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Năm 2018, sau 8 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, Xuyên Mộc vẫn “ì ạch” chỉ có duy nhất xã Bưng Riềng đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập của người dân thời điểm bấy giờ chỉ đạt từ 37 - 44 triệu đồng/người/năm, với nhiều tiêu chí như: Trường học, nhà ở dân cư, hộ nghèo, môi trường, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng – an ninh và tiêu chí thu nhập… chưa đạt chuẩn.

Hơn 2 năm trở lại đây, với việc huy động cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực đồng lòng của nhân dân, Xuyên Mộc đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, huyện đã chuyển mình, với hệ thống đường xá, cơ sở vật chất trường lớp khang trang; các tiêu chí về môi trường, hộ nghèo, nhà ở dân cư, quốc phòng - an ninh đã đạt chuẩn. Đặc biệt, thu nhập của người dân tăng thêm gần 20 triệu đồng/người/năm so với năm 2018.

Những thành tựu quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới là bước phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Xuyên Mộc, trong giai đoạn 2010-2020, địa phương đã huy động gần 4.650 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới.

Cùng với nguồn vốn ngân sách, nhân dân Xuyên Mộc đã chủ động đóng góp nhiều ngày công, hiến hơn 480.000 m2 đất, vật kiến trúc… với tổng số tiền trên 114,3 tỷ đồng để xây dựng và nâng cấp gần 708 km đường giao thông liên xã, liên thôn, nội đồng; gần 78 km kênh mương thủy lợi, 165,2 km đường điện và nhiều trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa học tập cộng đồng với quy mô xây dựng đạt chuẩn. Các công trình này đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản, cải thiện đời sống sinh hoạt và học tập của nhân dân trên địa bàn huyện.

Xã Xuyên Mộc là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của huyện. Với nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm phát huy nội lực, xã Xuyên Mộc đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi dê thương phẩm của gia đình bà Nguyễn Thị Nga, ở ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc. Đây là mô hình nhận được hỗ trợ từ nguồn vôn theo Nghị Quyết 05 của tỉnh, nhờ vậy gia đình bà đã có cuộc sống khấm khá.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuyên Mộc Võ Thị Kính cho biết, xác định nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nên phải thực chất, không chạy theo thành tích để làm ồ ạt. Hơn 10 năm qua, xã đã xây dựng nền móng nông thôn mới bằng việc định hướng người dân phát triển mô hình sản xuất hiệu quả. Ngoài tập huấn cho nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, xã cũng vận động chuyển đổi vườn tạp, đất lúa một vụ, cây cam, quýt, hồ tiêu năng suất thấp sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như thanh long, nhãn xuồng và các loại cây ăn quả khác. Đồng thời, xã triển khai các gói hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND, Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND để người dân có điều kiện phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, hiệu quả thấy rõ, đến nay thu nhập bình quân đầu người tại xã đã nâng lên 60,6 triệu đồng/người/năm.

Vốn là địa phương thuần nông, huyện Xuyên Mộc xác định việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới, vì vậy huyện đã triển khai nhiều giải pháp tăng năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương.

Theo đó, các địa phương trong huyện đã tích cực vận động nhân dân thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng đến các loại cây, con có giá trị cao để nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhiều mô hình trồng các cây có giá trị như nhãn, thanh long… đã thay thế cho vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả; nuôi gia súc quy mô lớn thay cho các mô hình nhỏ lẻ, giúp thu nhập của nông dân tăng lên đáng kể. Nhiều mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác cũng đã hình thành, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa bền vững. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ về vốn, cây – con giống cho người dân phát triển sản xuất.

Nhờ vậy, đến tháng 6/2021, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn 12 xã xây dựng nông thôn mới đạt gần 61 triệu đồng/người/năm, tăng 16,62 triệu đồng/người/năm so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của huyện còn 0,35%.

Hộ bà Nguyễn Thị Nga, ở ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc, là một trong những hộ nhận được vốn sản xuất của địa phương theo Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND. Với 50 triệu đồng hỗ trợ, bà đã đầu tư nâng cấp chuồng trại, mua thêm giống về nuôi dê. Sau hơn một năm, đàn dê 170 con thương phẩm và dê sinh sản đã mang lại cho gia đình bà Nga nguồn thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm. “Chương trình nông thôn mới đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình tôi cũng như người dân nơi đây. Đặc biệt, nhờ nguồn vốn hỗ trợ nên thu nhập tăng lên đáng kể, cuộc sống cũng dư dả hơn trước”, bà Nga nói.

Giữ vững thành quả xây dựng nông thôn mới

Chú thích ảnh
Mô hình trồng rau thủy canh tại thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc giúp giải quyết việc làm cho 20 lao động thường xuyên tại địa phương.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong xây dựng nông thôn mới, kinh tế nông thôn của huyện đạt được những thành tựu quan trọng và có bước chuyển biến mới. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 4.107 tỷ đồng, tăng 141,2% so với năm 2010. Nhờ việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giá trị sản xuất nhiều loại cây trồng được nâng lên. Cụ thể, năm 2020, giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 52,95 triệu đồng/ha, tăng 33,9% so với năm 2010.

Kinh tế phát triển, thu nhập tăng lên bền vững, vì vậy đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng nông thôn huyện Xuyên Mộc cũng thay đổi đáng kể.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, thành quả quan trọng nhất trong hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới của huyện là thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện tăng đáng kể. Cùng với đó là hạ tầng, cơ sở vật chất được cải thiện, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn.

Để giữ vững thành quả đạt được, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, Xuyên Mộc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân. Trong đó, huyện chú trọng việc phát huy tối đa các nguồn lực tại địa phương, lồng ghép linh hoạt nguồn vốn trong dân và nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, tìm kiếm nhà đầu tư, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân… Xuyên Mộc phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 9/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đến năm 2024, hai xã là Bưng Riêng và Xuyên Mộc đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.

Bài và ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Xây dựng tiêu chí công nhận nông thôn mới khách quan, sát thực tiễn
Xây dựng tiêu chí công nhận nông thôn mới khách quan, sát thực tiễn

Ngày 5/11, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về dự thảo tiêu chí Quốc gia và quy trình xét, công nhận nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN