Huyện Mê Linh (Hà Nội) đổi thay khi thực hiện xây dựng nông thôn mới

Đoàn thẩm định của TP Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh. Đây là một trong 5 huyện của Hà Nội phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2021.

Hình thành vùng chuyên canh

Tại các vùng chuyên canh hoa của huyện Mê Linh, người dân cũng đang tất bật cho vụ hoa cuối năm. Chị Đinh Thị Tuyết ở xã Mê Linh có 3.600m2 trồng hoa cho biết: Gia đình chị chuyên trồng hồng thế. Hiện có khoảng 15.000 chậu hoa đang được cắt tỉa, chăm bón, kích nụ để đưa ra thị trường những tháng cuối năm, phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán.

Còn theo anh Nguyễn Tiến Dũng, chủ mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại xã Đại Thịnh, gia đình đang trồng hơn 7 vạn gốc lan hồ điệp trong nhà màng, cây phát triển rất tốt, một số cây đã ra ngồng, dự kiến nở đúng dịp Tết. “Chúng tôi mong tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát để việc tiêu thụ hoa thuận lợi hơn”, anh Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Chú thích ảnh
Mô hình trồng hoa công nghệ cao tại huyện Mê Linh. Ảnh: NM

Là vựa rau, hoa của Thành phố, trên địa bàn huyện Mê Linh đã hình thành các vùng chuyên canh rau, như: Vùng trồng củ cải trắng ở xã Tráng Việt, vùng su hào ở xã Tiền Phong, vùng rau gia vị ở xã Tiến Thắng, vùng hành tây ở xã Văn Khê, vùng hoa ở các xã: Mê Linh, Đại Thịnh, Văn Khê...

Ông Phạm Thành Đô, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh, thường trực Ban xây dựng nông thôn mới của huyện cho biết, vụ đông 2021-2022, toàn huyện Mê Linh gieo trồng khoảng 1.600ha rau màu, chủ yếu là su hào, hành tây, các loại rau cải, rau gia vị. Đối với cây hoa, toàn huyện gieo trồng 700ha với các giống có giá trị kinh tế cao, như: Hồng thế, hoa chậu trang trí, hoa ly, loa kèn, đào, cúc... Nhờ đó, nông dân nâng cao thu nhập và là động lực cho xây dựng nông thôn mới.

Kinh tế nông thôn cũng tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh góp phần mang lại sinh kế cho người dân. Nhiều mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được xây dựng, nhân rộng, mang lại giá trị cao và thu nhập bền vững cho người nông dân. Toàn huyện đã phát triển được tổng số 35 sản phẩm OCOP, cùng nhiều nông sản tiêu chuẩn an toàn, VietGAP…

Đây là điểm thay đổi khá rõ, trước năm 2010, hệ thống giao thông chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức để đạt chuẩn theo quy định, nhiều tuyến đường chưa được cứng hóa, chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước nước nên thường bị lầy lội cục bộ vào mùa mưa, chưa đảm bảo sự kết nối giữa các xã. Năm 2020, số trực đường liên xã được cứng hóa, nhựa hóa là hơn 124 km, đạt trên 76%; đường trục xóm, liên thôn cúng hóa mới đạt tỷ lệ hơn 57%, ông Phạm Thành Đô cho biết.

Đến nay, toàn huyện có 16/16 xã được UBND TP. Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Địa phương cũng đã đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể giai đoạn 2010-2020, huyện Mê Linh đã huy động được 4.011 tỷ đồng tập trung xây dựng mới 442,8km và cải tạo 105,5km đường giao thông trục liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm, trục chính nội đồng; xây mới 51km kênh mương cấp 3.

Huy động nhiều nguồn lực đầu tư văn hóa – giáo dục

Bên cạnh đầu tư vào hệ thống hạ tầng, đời sống văn hoá tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng mới 20 nhà văn hoá, khu thể thao với số tiền gần 66 tỷ đồng; xây mới và sửa chữa 126 điểm trường học; nâng cấp, cải tạo 6 nhà văn hoá với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Hệ thống thiết chế văn hoá xã, thôn luôn phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao…

Tính đến nay, tại huyện Mê Linh, 67/81 thôn làng, 17/18 tổ dân phố đã có nhà văn hóa với đồng bộ trang thiết bị phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 51,6 triệu đồng/người/năm, huyện cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 80-85%, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Hiện toàn huyện không còn hộ gia đình phải ở nhà tạm, nhà ở dột nát.

Chú thích ảnh
Hệ thống cấp nước sạch được đầu tư. Ảnh: XM

Đặc biệt, huyện Mê Linh đã đẩy mạnh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục. Dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 nhưng đến nay, UBND huyện đã triển khai được 52 dự án với tổng mức đầu tư hơn 343 tỷ đồng. Trong đó, có gần 150 tỷ đồng do thành phố Hà Nội hỗ trợ.

Nhờ sự quan tâm, đầu tư của thành phố Hà Nội, đến nay huyện Mê Linh đã có 60/72 trường học công lập thuộc quản lý của huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 83,3%. Hiện, 16/16 xã trên địa bàn huyện Mê Linh đã đạt tiêu chí trường học trong xây dựng nông thôn mới.

Trên địa bàn huyện, tỷ lệ các hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. 16/16 xã trên địa bàn huyện đã được Công ty cổ phần nước sạch số 2 và Công ty cổ phần cấp nước Mê Linh đầu tư hệ thống cấp nước. Tỷ lệ cấp nước từ công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện đạt 84%. Huyện phấn đấu hết năm 2021, có ít nhất 75% số hộ dân sử dụng nước sạch.

Từ khi huyện Mê Linh đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, hiện thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt trên 65 triệu đồng/người/năm; huyện cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới của thành phố; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80-85%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên...

Với những kết quả đạt được, đoàn thẩm định Thành phố Hà Nội chấp thuận huyện Mê Linh đã đủ điều kiện gửi hồ sơ lên UBND Thành phố Hà Nội xem xét, trình Hội đồng thẩm định nông thôn mới Trung ương đánh giá, đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận về đích năm 2021.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, trong giai đoạn 2021–2025 tới đây, huyện phấn đấu tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí huyện nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới phát triển nông thôn bền vững. Phát triển kinh tế, hạ tầng xã hội hiện đại, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá làng quê. Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Sau khi Hà Nội báo cáo về quá trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Mê Linh, mới đây Đoàn công tác Trung ương do Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến làm trưởng đoàn đã về thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế kết quả xây dựng nông thôn mới tại huyện Mê Linh. Qua thực tế kiểm tra và thẩm định hồ sơ, Đoàn công tác Trung ương ghi nhận kết quả đạt được của huyện Mê Linh trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là về cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông thuận lợi… Diện mạo nông thôn huyện Mê Linh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

 Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.

XM/Báo Tin tức
Du lịch gắn với nông thôn mới ở Hà Nội trong bối cảnh mới
Du lịch gắn với nông thôn mới ở Hà Nội trong bối cảnh mới

Du lịch vùng ngoại thành gắn với các xã nông thôn mới Hà Nội đang là hướng đi mới nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh trong bối cảnh mới. Không chỉ là hoạt động nghỉ dưỡng, trải nghiệm mà hoạt động du lịch ngoại thành còn góp phần tiêu thụ nông sản sạch tại chỗ hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN