Bộ trưởng Hầu A Lềnh: Các Chương trình mục tiêu quốc gia góp thay đổi diện mạo nông thôn miền núi

Ngày 22/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng Đoàn công tác đã làm việc với tỉnh Yên Bái, nhằm đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng đoàn công tác thăm các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả tại xã Trạm Tấu. Ảnh: TTXVN phát

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện, cụ thể hóa các văn bản của Trung ương theo hướng sát với thực tế của tỉnh; triển khai cách làm sáng tạo, chủ động bố trí các nguồn kinh phí để thực hiện các mục tiêu của Chương trình nên nhiều mục tiêu đã về đích sớm. 

Tỉnh có sự phối hợp với các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các mục tiêu của Chương trình sớm tiếp cận đến với người dân.

Yên Bái đặc biệt quan tâm đến vấn đề làm nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ sinh kế, làm đường giao thông, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình và có chính sách hỗ trợ của tỉnh, huy động nguồn lực đa dạng phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân…

Từ kinh nghiệm của Yên Bái, Bộ trưởng Hầu A Lềnh đề nghị, các thành viên Đoàn công tác tiếp thu đầy đủ và chia sẻ với các địa phương khác trong quá trình thực hiện. Bộ trưởng cho rằng, Yên Bái cũng như nhiều địa phương khác vẫn còn những khó khăn trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo để thực hiện tốt các mục tiêu theo các Chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức số cho người dân, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước khẳng định, các Chương trình mục tiêu quốc gia là nguồn lực đầu tư quan trọng góp phần giúp Yên Bái phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị, địa phương chủ trì; tham gia vào quá trình phân bổ nguồn lực thực hiện từng dự án theo mục tiêu của các chương trình.

Kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình cơ bản đáp ứng theo tiến độ của cả giai đoạn, có nhiều chỉ tiêu đã vượt mục tiêu Chương trình. 

Yên Bái kiến nghị các bộ, ban, ngành Trung ương sớm ban hành sổ tay chung hướng dẫn thực hiện cho cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia theo từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần.

Để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Yên Bái thành lập Ban Chỉ đạo, bộ máy giúp việc, xây dựng và ban hành quy chế hoạt động; chỉ đạo cấp huyện và cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành các văn bản triển khai thực hiện theo quy định.

Về kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Yên Bái được giao trên 5.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển gần 3.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dự kiến huy động các nguồn vốn khác để lồng ghép, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là 18.745 tỷ đồng. Kế hoạch vốn hằng năm đã giao (từ năm 2021 đến năm 2023) là 2.290 tỷ đồng.

Đến nay, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được kết quả tích cực, đặc biệt đối với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn 12,14% (giảm bình quân 4,93% so với năm 2022, vượt 1,93% so với mục tiêu của Chương trình).

Số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là 14/28 xã, số thôn thoát khỏi đặc biệt khó khăn là 25/27 thôn, đạt 92,5% mục tiêu giai đoạn 2021-2025.

Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 97,6%. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,5%, bằng 90% mục tiêu Chương trình.

Kết quả thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, năm 2023, Yên Bái dự kiến hỗ trợ 1.598 nhà, đến nay đã khởi công xây dựng và hoàn thành 100% kế hoạch. Tổng số kinh phí đã bố trí cho các địa phương là 78,9 tỷ đồng.

Yên Bái đã thực hiện hiệu quả việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 80 trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường có học sinh bán trú với 4.456 trang thiết bị các loại; 46 trường được tăng cường cơ sở vật chất.

Thực tế triển khai vẫn còn một số những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chuyển đổi rừng tự nhiên hoặc liên quan đến rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; khó khăn về chỉ tiêu tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử vì chưa được hướng dẫn cụ thể.

Việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng đất đai giữa các hộ rất khó thực hiện; về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, không có đối tượng đủ điều kiện để hưởng hỗ trợ theo quy định...

Tuấn Anh
Thêm một nghệ thuật của người Mông ở Yên Bái được đưa vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Thêm một nghệ thuật của người Mông ở Yên Bái được đưa vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN