Số vụ cháy rừng từ đầu mùa khô (tháng 10/2019) đến nay trên địa bàn toàn tỉnh chỉ xảy ra 4 vụ gây thiệt hại hơn 4 ha, chủ yếu là rừng trồng sản xuất. Trong khi đó, mùa khô 2018-2019, tại Yên Bái xảy ra 7 vụ cháy rừng, gây thiệt hại gần 56 ha rừng.
Nhiều năm nay, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở Yên Bái đã được các các địa phương trong tỉnh chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả, đặc biệt, ở các huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một phần của huyện Văn Chấn - nơi thường xuyên xảy ra tình trạng nắng nóng, khô hanh do gió Lào thổi về đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đưa ra nhiều giải pháp quản lý bảo vệ trong phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ông Vũ Trọng Huân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu - Nghĩa Lộ cho biết, trên địa bàn huyện Trạm Tấu hiện có gần 46.000 ha rừng, trong đó có hơn 33.000 ha là rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất và rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Huyện Trạm Tấu là địa phương thường xảy ra cháy rừng mà nguyên nhân chủ yếu là do người dân bất cẩn khi đốt nương làm rẫy, đốt bãi chăn thả gia súc. Đặc biệt, mùa hanh khô lại trùng với thời gian người dân đốt nương để trồng ngô nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong việc phòng chống cháy rừng, ngay từ đầu mùa khô năm 2019, đơn vị đã củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện, xã và tăng cường thành viên Ban chỉ đạo xuống cơ sở, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tới người dân. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện Trạm Tấu để ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, phương tiện sẵn sàng cho nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô năm 2019-2020.
Đơn vị cũng điều chỉnh, bổ sung phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và 4 sẵn sàng (chỉ huy sẵn sàng, lực lượng sẵn sàng, phương tiện và hậu cần sẵn sàng, thông tin liên lạc sẵn sàng).
Huyện Trạm Tấu tiếp tục phối hợp với các huyện Bắc Yên, Phù Yên, Mường La (tỉnh Sơn La) để trao đổi thông tin, huy động lực lượng khi xảy ra cháy rừng tại các khu vực giáp ranh và thực hiện tốt quy chế phối hợp với các lực lượng công an, quân sự địa phương trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tại huyện Văn Chấn, ông Vũ Đình Trường, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Văn Chấn cho biết: "Ngay từ đầu mùa khô, huyện đã rà soát diện tích rừng hiện có và xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Huyện đã củng cố, kiện toàn 34 Ban chỉ đạo từ huyện đến cấp xã và các công ty lâm nghiệp với 922 thành viên. Tại các xã, thị trấn duy trì và củng cố 367 tổ đội xung kích chữa cháy rừng với 4.210 người tham gia với lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, đoàn thanh niên. Bên cạnh đó, tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác ở những nơi có nguy cơ cháy rừng cao để phát hiện lửa rừng và tổ chức lực lượng tham gia chữa cháy kịp thời khi có đám cháy xảy ra”.
Để hạn chế cháy rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải đã bố trí lực lượng kiểm lâm địa bàn xuống các thôn bản tổ chức họp dân, tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng, ký cam kết với từng hộ dân, lên danh sách số nương rẫy và hướng dẫn cho bà con cách đốt nương để tránh cháy lan vào rừng. Đồng thời, quy định tất cả các hộ khi đốt nương rẫy phải báo cho trưởng thôn và kiểm lâm địa bàn biết ngày giờ đốt để kiểm soát.
Đặc biệt, nhiều năm nay, UBND huyện Mù Cang Chải còn trích một phần ngân sách hỗ trợ các thôn, bản, nhất là những thôn bản ở trên núi cao để dựng chòi canh lửa. Tại chòi canh, cán bộ kiểm lâm địa bàn cùng với người dân được thôn bản huy động ra để cắt cử nhau túc trực 24/24 giờ vào những thời điểm nắng nóng kéo dài và đặc biệt là vào thời điểm người dân làm rẫy trồng ngô, trồng lúa nương...
Điển hình ở xã Nậm Khắt xã Púng Luông, mỗi xã đều có 9 chòi canh lửa tại 9 bản, các chòi đều có người trực đều đặn, đổi ca cho nhau. Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã phối hợp với các xã đề ra quy ước để thực hiện tại các chòi canh lửa như: nếu đám cháy nhỏ tại gần bản, thì gọi tổ đội xung kích, dân bản ra dập lửa, nếu cháy lớn thì phải huy động toàn xã từ thành viên ủy ban, các ban ngành, đoàn thể rồi nhân dân toàn xã. Nếu cháy lớn nữa, thì cùng với chữa cháy là phải báo cáo huyện, huyện sẽ huy động các xã lân cận trợ giúp để dập tắt đám cháy.
Có thể nói việc dựng chòi canh lửa là một sáng kiến hay về mô hình phòng cháy, chữa cháy rừng nên đã được tỉnh Yên Bái tuyên truyền, vận động để nhân rông ra trên các địa bàn trọng yếu.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, đến nay toàn tỉnh Yên Bái có 115 chòi, lán canh lửa tại những nơi có nguy cơ cao ở các huyện phía Tây của tỉnh như: Mù Căng Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu để chủ động phát hiện lửa rừng trong mùa khô hanh có nguy cơ xảy ra cháy rừng tại các thôn, bản.
Hiện nay, mặc dù đã bước vào cuối mùa khô, nhưng chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng không nên chủ quan mà cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và cần. Cùng đó, rà soát, bổ sung chỉnh lý các phương án chữa cháy rừng trọng điểm của địa phương; chú ý khả năng huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị được dự kiến huy động trong phương án chữa cháy.
Ngoài ra, chỉ đạo các lực lượng liên ngành thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý tốt các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống cháy xảy ra…