Theo người phát ngôn Cơ quan giảm nhẹ thảm họa thiên tai (NDMA) của Indonesia, Agus Wibowo, tính đến sáng 31/7 có 124 điểm nóng có nguy cơ cháy rừng được phát hiện trên toàn quốc. Chính phủ Indonesia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại các tỉnh Riau, Nam Sumatra, Tây Kalimantan, Jambi, Nam Kalimantan, và Trung Kalimantan, nơi có nhiều vùng đất than bùn rất dễ bắt lửa.
Giới chức Indonesia đã huy động thêm 5.679 nhân viên rút từ lực lượng cảnh sát, quân đội và NDMA tới các tỉnh được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, máy bay chở nước dập lửa cũng được huy động tham gia chiến dịch này. Tại tỉnh Riau, giới chức phụ trách giảm nhẹ thiên tai của tỉnh đã huy động 17 máy bay lên thẳng và thêm 10 máy khác được huy động từ các công ty tư nhân, quân đội và Bộ Lâm nghiệp. Chính phủ Indonesia cũng đang tính tới tạo mưa nhân tạo để giúp dập tắt các đám cháy để bảo vệ mùa màng.
Theo ông Dody Usodo Hargo Suseno thuộc Bộ phối hợp phát triển nhân lực Indonesia, gần 50 triệu người trong tổng số 260 triệu dân của nước này đang đối mặt với nạn hạn hán ở 28/34 tỉnh trên toàn quốc.
Nhiều nước trên thế giới đang gây sức ép yêu cầu Indonesia chấm dứt nạn chặt phá và đốt rừng để lấy đất trồng cây cọ và các loại cây lấy giấy, đặc biệt sau khi xảy ra thảm họa cháy rừng năm 2015 ở nước này. Các đám cháy do nông dân Indonesia đốt rừng, có thể lan rộng ngoài tầm kiểm soát, đã gây ra tình trạng khói mù tại hai quốc gia láng giềng là Singapore và Malaysia.
Nằm trên đường xích đạo, Indonesia chỉ có hai mùa, mùa mưa và khô. Mùa khô thường kéo dài từ giữa tháng 3 đến tháng 9, thời gian còn lại trong năm là mùa mưa.