Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh rất được ngư dân mong chờ trong tình hình khó khăn hiện nay.
Bình Thuận hiện có 1.950 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị VMS (thiết bị giám sát hành trình). Đến hết năm 2021, số tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS là 1.860, đạt 95,4%. Theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP Chính phủ thì tất cả các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị VMS, đây là điều kiện để thực hiện việc đăng kiểm, đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá. Việc lắp đặt thiết bị VMS còn nhằm khắc phục nội dung khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU) để đáp ứng điều kiện gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với ngành Thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, khi triển khai lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, nhiều chủ tàu không huy động đủ tiền để mua thiết bị. Khai thác thủy sản trên biển hiện nay luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả không cao, nguồn lợi thủy sản suy giảm, giá trị khai thác thấp. Bên cạnh đó, để lắp đặt thiết bị VMS, ngoài tiền mua thiết bị từ 18 - 25 triệu đồng/máy còn phải trả phí thuê bao hàng tháng từ 340.000 - 385.000 đồng/máy (tùy thuộc loại thiết bị). Do nhiều ngư dân không đủ tiền mua thiết bị và trả phí thuê bao hàng tháng làm ảnh hưởng lớn đến lộ trình thực hiện lắp đặt thiết bị VMS và triển khai kế hoạch giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận nhận định, việc hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị VMS sẽ giúp ngư dân vươn khơi bám biển và thực hiện tốt các quy định về chống khai thác IUU, đồng thời giúp cho các cơ quan quản lý tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, giám sát, phòng, chống khai thác IUU. Đặc biệt là theo dõi, phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, các thuyền nghề giã cào (gồm giã cào bay) hoạt động sai vùng khai thác, đồng thời hỗ trợ cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Tại Kỳ họp lần thứ 7, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI thống nhất ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hỗ trợ 10 triệu đồng chi phí cho mỗi tàu cá mua, lắp đặt thiết bị VMS. Điều kiện được hỗ trợ là tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đăng ký tại Bình Thuận, có đầy đủ các loại giấy tờ phù hợp; là thành viên tổ đội hoặc nghiệp đoàn nghề cá hoặc hợp tác xã khai thác thủy sản; không vi phạm về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU)…
Các đại biểu HĐND tỉnh cũng thống nhất ban hành Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam. Dự án Hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 với tổng mức đầu tư 586 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai, do có sự thay đổi về định mức, quy định của pháp luật về giải phóng mặt bằng, về bồi hoàn rừng, trồng rừng thay thế và điều chỉnh giá theo thời điểm hiện tại…, Dự án được điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư tăng từ 586 tỷ đồng lên 1.216 tỷ đồng (tăng 630 tỷ đồng). Dự án hồ chứa nước Ka Pét có vai trò quan trọng đối với việc chống hạn và cung cấp nước sinh hoạt của Bình Thuận.
Ngoài ra, HĐND tỉnh Bình Thuận đã thông qua một số Nghị quyết quan trọng như: Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn khác; Phát triển thanh niên tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 -2030; Quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030; Phân khai chi tiết nguồn dự phòng xổ số kiến thiết năm 2022 và điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 nguồn vốn tập trung trong nước…
Việc ban hành kịp thời các Nghị quyết nêu trên phù hợp với quy định hiện hành, là cơ sở pháp lý để Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, điều hành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh.