Bình Thuận: Đảm bảo hàng hóa cho người dân thực hiện giãn cách xã hội

Ghi nhận tại một số chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Phan Thiết, sáng 3/8, hoạt động mua bán diễn ra bình thường và được tổ chức lại trật tự, đảm bảo an toàn.

Thành phố Phan Thiết là một trong hai địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 2/8. 

Chú thích ảnh
 Khu vực chợ Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận người dân phải có thẻ đi chợ mới được vào chợ. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Bên cạnh các chợ truyền thống, hiện nay các hệ thống siêu thị, các cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh dịch vụ hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu tại thành phố Phan Thiết vẫn hoạt động động bình thường. Hàng hóa vẫn thường xuyên nhập về, các mặt hàng rau củ quả, thịt, cá đảm bảo tươi ngon, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

Ghi nhận tại một số chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, sáng 3/8, hoạt động mua bán diễn ra bình thường và được tổ chức lại trật tự, đảm bảo an toàn. Các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ người dân như gạo, mì, thịt, trứng, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây… vẫn được bày bán.

Ban Quản lý các chợ lập chốt chặn tại các lối vào chợ nhằm kiểm soát chặt chẽ người ra vào chợ; phân luồng đi một chiều và yêu cầu người mua và người bán đều phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2 mét.

Trong thời gian thực hiện giãn cách, để hạn chế số lượng người dân ra đường khi không thật sự cần thiết, các xã, phường đã phát phiếu cho người dân đi mua thực phẩm và các nhu cầu phục vụ hộ gia đình theo ngày chẵn hoặc lẻ. Đa số người dân đều đồng tình và chấp hành theo quy định.

Bà Đỗ Thị Ngư, ở phường Đức Thắng cho biết, việc áp dụng đi chợ theo ngày chẵn, lẻ giúp hạn chế người đi chợ để phòng, chống dịch bệnh. Hàng hóa vẫn rất nhiều, tươi mới nên gia đình không mua tích trữ quá nhiều hàng.

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong dài ngày, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm, nhất là lương thực, thực phẩm thiết yếu, Sở Công Thương đã yêu cầu các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp… tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Qua thống kê, hiện nay, lượng hàng hóa lưu kho sẵn sàng phục vụ phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Phan Thiết rất dồi dào.

Cụ thể, Siêu thị Co.opMart Phan Thiết hàng hóa thiết yếu sẵn có tại kho sẵn sàng phục vụ đảm bảo khoảng 7 tỷ đồng (nhập bổ sung hàng ngày 2 tỷ đồng); siêu thị Lotte hàng hóa thiết yếu lưu kho sẵn sàng phục vụ khoảng 7 tỷ đồng (nhập bổ sung hàng ngày khoảng 2 - 3 tấn). Ngoài ra, hệ thống các chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh, VinMart…  hàng hóa cũng đã dự trự sẵn trong kho để phục vụ người dân từ 6 - 10 tấn/cửa hàng (hàng ngày nhập từ 1,5 - 2,5 tấn/cửa hàng)…

Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đề nghị các đơn vị kinh doanh đẩy mạnh hoạt động phân phối hàng hóa thiết yếu thông qua hình thức bán hàng trực tuyến. Đồng thời, triển khai chương trình bán hàng lưu động nhằm kịp thời cung cấp hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân.

Để hỗ trợ người dân mua nhu yếu trong thời gian thực hiện giãn cách, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bình Thuận đã thành lập 18 "Đội Shipper xanh đi chợ giúp dân" hoạt động tại 18 phường, xã trên địa bàn thành phố Phan Thiết. Các “Đội Shipper xanh đi chợ giúp dân” là đoàn viên, thanh niên trên địa bàn, có tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, có sức khoẻ, ưu tiên đã được tiêm phòng COVID-19 sẽ có nhiệm vụ kết nối, tiếp nhận thông tin để đi chợ giúp người dân mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu.

Hồng Hiếu (TTXVN)
Bình Thuận phong tỏa nhiều khu vực phòng chống dịch
Bình Thuận phong tỏa nhiều khu vực phòng chống dịch

Từ 0 giờ ngày 19/7, tỉnh Bình Thuận đã phong tỏa thêm nhiều khu vực vì liên quan đến các ca nghi nhiễm COVID-19, gồm một khu dân cư của thành phố Phan Thiết và 1 khu dân cư của huyện Hàm Thuận Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN