Bình Dương mở 'chiến dịch' giải ngân vốn đầu tư công

Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công bị chậm tại “thủ phủ” công nghiệp tỉnh Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Tỉnh ủy Bình Dương hồi đầu tháng 12 vừa qua là do đầu tư quá dàn trải, khâu chuẩn bị chưa tốt. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Bình Dương mở chiến dịch giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến ngày 30/1/2023.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành tại Bình Dương. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chạy đua nước rút

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, UBND tỉnh đang tích cực làm việc với các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư và đơn vị thi công thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chạy nước rút trong hơn 50 ngày tới để giải ngân cho được hơn 90% vốn bố trí cho các dự án đầu tư công năm 2022.

Theo báo cáo cho hay, đến hết tháng 11/2022, tổng giá trị giải ngân là 4.719 tỷ đồng, đạt 45,8% kế hoạch tỉnh và đạt 46,5% kê hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tỉnh phấn đấu đến 30/01/2023 tỷ lệ giải ngân đạt trên 90% kê hoạch.

Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác đôn đốc, chỉ đạo triển khai các dự án trọng điếm và định kỳ tổ chức họp để kịp thời giải quyết vấn đề cấp bách, bức xúc, tồn tại của những dự án bị chậm. Tuy nhiên, hiện nay còn một số vướng mắc nhất là việc thẩm định giá đất để triển khai đền bù giải phóng mặt bằng; tiến độ thực hiện và giải ngân của một số dự án, trọng điểm vướng cục bộ…

Ông Võ Văn Minh cho biết, để đạt được kế hoạch, Bình Dương đã đưa ra nhiều giải pháp nhanh chóng triển khai các thủ tục thực hiện dự án; Tập trung giải ngân vốn các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm và các dự án có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm; Thẩm định giá đất kịp thời và hợp lý; Chỉ đạo, phối hợp di dời các hạng mục cơ sở hạ tầng (điện, nước, viễn thông)…cùng đồng loạt vào việc làm ngày làm đêm.

Ghi nhận tại công trình dự án mở rộng quốc lộ 13 từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư địa chất thành phố Thủ Dầu Một (dài 12,6 km) được UBND tỉnh Bình Dương và chủ đầu tư - Tổng công ty Becamex IDC cho khởi công cuối tháng 4. Dự án có tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng, được triển khai theo hình thức BOT hơn 6 tháng nay, đang “cấp tập” giải phóng mặt bằng đến đâu thi công các công trình ngay đến đó.

Theo ghi nhận trong ngày 12/12, chủ đầu tư thi công các hạng mục trên quốc lộ 13 mở rộng đã bắt đầu đặt hệ thống thoát nước,  trải thảm cấp phối đá dăm, lu lèn trên một số đoạn đã giải tỏa xong, nhiều đoạn qua quốc lộ 13 đã thông thoáng hơn so với trước đây.

Không khí làm việc rất khẩn trương; các mũi triển khai đoạn qua thành phố Thuận An có 128 trường hợp (106 hộ dân, 23 tổ chức) bị ảnh hưởng dự án giải tỏa, đền bù, đến nay đã hoàn thành 90% giải phóng mặt bằng. Địa phương đặt mục tiêu hoàn tất bàn giao mặt bằng của dự án trong tháng 12.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm bị vướng mắc đơn lẻ một vài hộ trong giải tỏa, khiến xe cộ qua đây gặp “nút thắt” gây khó khăn thêm cho dự án chậm về đích.

Quốc lộ 13 đoạn qua tỉnh Bình Dương là một trong dự án trọng điểm được mở rộng thêm 2 làn xe bên phải, hướng từ thành phố Hồ Chí Minh đi Bình Dương, nâng quy mô với 8 làn xe, nền đường rộng 40,5 m. Ngoài ra, dọc tuyến này cũng sẽ có thêm các dự án xây cầu vượt, hầm chui tại các nút giao thông có mực độ xe cộ lưu thông lớn để chống ùn tắc, kẹt xe.

Một trong công trình chống ùn tắc giao thông quan trọng của tỉnh Bình Dương trong năm 2022 là cầu vuợt tại ngã tư 550 ở thành phố Dĩ An đang dần hoàn thiện các công đoạn cuối cùng và dự kiến thông xe kịp đón chào năm mới 2023. 

Cầu vượt 550 có chiều dài 20 m, rộng 16 m với 4 làn xe chạy. Cầu vượt có kết cấu thép liên tục, bản mặt bằng bêtông cốt thép - khẩu độ lớn nhất 40 m, bao gồm 5 nhịp và dự kiến thi công hoàn thành trong 6 tháng . Hiện cầu đang hoàn thiện hệ thống chiếu sáng; mặt đường đã trải nhựa, kẻ vạch chỉ dẫn, làn xe, lắp con lươn, lan can... đầy đủ.

Hai đầu cầu lắp biển báo và đèn hiệu giao thông... Cầu cho xe chạy vận tốc tối đa 60 km/h… Đây là chiếc cầu vượt đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Cầu vượt nằm trong dự án nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 743, đoạn từ ngã tư miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần dài khoảng 1,2 km. Quy mô đầu tư 6 đến 8 làn xe, kết hợp cầu vượt và cải tạo nút giao Sóng Thần, nhằm giải quyết ùn tắc ở cửa ngõ giữa thành phố Dĩ An và Thuận An vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Ưu tiên các công trình trọng điểm

Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã thông qua nghị quyết về dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023. Theo nghị quyết, số vốn kế hoạch được giao cho hạng mục đầu tư công năm 2023 là 12.182 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương 3.142 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 9.040 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tỉnh Bình Dương ưu tiên bố trí vốn cho 38 dự án trọng điểm, với tổng số vốn là hơn 3.515 tỷ đồng, chiếm 39,1% số vốn của tỉnh.

Trong số đó, một số dự án bố trí vốn lớn như: Dự án cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương hơn 496 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13 đoạn từ từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu Ông Bố là 1.100 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng đường ĐT746 (đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa) 360 tỷ đồng; Bệnh viện đa khoa 1.500 giường là 189,4 tỷ đồng; thiết bị Bệnh viện đa khoa 1.500 giường là 200 tỷ đồng...

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, đối với các dự án đầu tư công tới đây sẽ thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân của từng dự án. Qua giám sát, rà soát nhằm điều chuyển vốn của những dự án không có khả năng thực hiện và giải ngân sang các dự án góp phần sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.

UBND tỉnh cho biết trong năm 2023 tập trung thực hiện và giải ngân vốn các công trình quan trọng, trọng điểm, các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng của tỉnh, các công trình có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm. Đồng thời, tỉnh yêu cầu các sở, ngành chuyên môn, cơ quan kiểm soát của Bình Dương cần tập trung đẩy nhanh công tác thẩm định và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật về đầu tư công, tránh tình trạng gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Tỉnh ủy Bình Dương đầu tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Bình Dương mở chiến dịch giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến ngày 30/1/2023; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện phải có hiệu quả; đồng bộ.

Thủ tương yêu cầu các bộ, ngành tập trung tháo gỡ  vướng mắc về luật vì cấp tỉnh “cầu cứu” lên cấp trung ương là do còn “ách tắc” về luật hoặc quy định; theo đó yêu cầu các bộ, ngành cần phối hợp tháo gỡ theo đúng quy định. Với trách nhiệm là phải tháo gỡ và phải có đầu ra.

Đặc biệt, riêng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Thủ tướng yêu cầu nhà nước tham gia đầu tư không quá 50%, còn lại giao cho tư nhân đầu tư. "Cao tốc này đường ngắn, xe nhiều, rất hấp dẫn nhà đầu tư. Đầu tư đường này xong thì các tỉnh trong khu vực giàu có nhanh thôi” - Thủ tướng chỉ rõ.

Chí Tưởng (TTXVN)
Khơi thông các 'điểm nghẽn' nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Khơi thông các 'điểm nghẽn' nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Hiện thời gian kết thúc niên độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022 đã cận kề, trong khi khối lượng giải ngân còn lại của năm là rất lớn, khoảng 41,67% kế hoạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN