Tại Sơn La, hội nghị đã thống nhất lập danh sách sơ bộ 11 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó có 4 nữ (chiếm 36,3%); 7 người dân tộc thiểu số (chiếm 63,6%); 1 người ngoài đảng (chiếm 0,9%).
Hội nghị đã thống nhất lập danh sách sơ bộ 122 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, trong đó có 44 nữ (chiếm 36%); 17 người dưới 40 tuổi (chiếm 13,93%); 13 người ngoài đảng (chiếm 10,6%); 29 người tái ứng cử (44,6%); 31 người là cán bộ, công chức công tác tại tỉnh (chiếm 25,40%); 95 người dân tộc thiểu số (chiếm 77,8%); không có người tự ứng cử.
Sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn La sẽ lập danh sách để lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm cử tri nơi cư trú đối với người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021 theo quy định.
Theo dự kiến, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh Sơn La có 7 người; trong đó, 3 đại biểu Quốc hội làm việc ở các cơ quan Trung ương và 4 đại biểu Quốc hội làm việc, cư trú ở địa phương. Số đại biểu HĐND tỉnh Sơn La được bầu nhiệm kỳ 2021-2026 là 65 người.
* Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang báo cáo về tình hình giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Đến 17 giờ ngày 14/3, có tất cả 15 hồ sơ của những người được giới thiệu ứng cử đã được gửi đến Ủy ban Bầu cử tỉnh Tuyên Quang. Trước Hội nghị hiệp thương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã nhận được 1 đơn xin rút khỏi danh sách dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nhất trí với việc xin rút khỏi danh sách dự kiến ứng cử của 1 ứng cử viên. Tất cả các đại biểu đã biểu quyết thống nhất lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV gồm 14 người để lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú, trong đó có 7 người dân tộc thiểu số, 9 nữ, 3 người tái ứng cử, 8 người dưới 40 tuổi.
Các đại biểu đã biểu quyết, thống nhất lập danh sách sơ bộ gồm 107 người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Tuyên Quang khóa XIX để tổ chức hội nghị cử tri lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm nơi cư trú. Trong đó, 58 người dân tộc thiểu số (chiếm 54,20%); 47 nữ (chiếm 43,92%); 1 người theo đạo (chiếm 0,93%); 38 người dưới 40 tuổi (chiếm 35,51%); 27 người tái ứng cử (chiếm 25,23%).
Ông Nguyễn Hưng Vượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang, khẳng định, công tác giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2021-2026 từ phía các cơ quan, tổ chức, đơn vị và việc kê khai hồ sơ, gửi hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ của người ứng cử đều được tiến hành đúng quy trình, đúng pháp luật, đảm bảo tính dân chủ, công khai và kịp tiến độ.
* Tại Trà Vinh, sau khi xem xét danh sách những người ứng cử, các đại biểu biểu quyết tán thành số lượng sơ bộ người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV gồm 9 người, trong đó có 4 người dân tộc thiểu số; 4 nữ; 3 người dưới 40 tuổi.
Trà Vinh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ 6 đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó số đại biểu được Trung ương giới thiệu là 2, số đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 4.
Tại hội nghị diễn ra cùng ngày, các đại biểu đã biểu quyết tán thành danh sách những người tham gia ứng cử đại biểu HĐND tỉnh gồm 86 người, trong đó 4 người dân tộc thiểu số; 28 nữ; 16 người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), 26 người tái ứng cử, 13 người ngoài đảng.
Theo Nghị quyết số 20/NQ – HĐND, ngày 4/2/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh khóa IX, về số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Hội đồng nhân tỉnh Trà Vinh khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, với tổng số lượng đại biểu là 50 người. Về cơ cấu người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026, đảm bảo có tỉ lệ nữ ít nhất 35%, trẻ (dưới 40 tuổi) không dưới 15%, người dân tộc thiểu số đạt 20% trở lên, người ngoài Đảng không dưới 10%./.
* Tại An Giang, các đại biểu đã nhất trí danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh gồm 15 người. Trong đó có 14 người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và 1 trường hợp tự ứng cử. Cơ cấu thành phần gồm: 6 nữ, 2 người dân tộc thiểu số, 1 người ngoài đảng, 2 người trẻ tuổi, 2 người tái ứng cử. Có 9 ứng cử viên đạt trình độ trên đại học và 6 ứng cử viên có trình độ đại học. Tất cả những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đều có lập trường chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình công tác.
Hội nghị cũng thống nhất lập danh sách sơ bộ gồm 110 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, khối Đảng có 22 người, khối Nhà nước - 24 người, khối lực lượng vũ trang - 3 người, khối mặt trận, đoàn thể và thành phần khác - 58 người. Về cơ cấu, có 40 nữ, 27 người ngoài đảng, 10 người dân tộc thiểu số, 27 người tái ứng cử.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang, việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh đều đảm bảo đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nhất trí triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh An Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 từ ngày 21/3-13/4.