Triển khai chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm để đồng quản lý rừng đặc dụng theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn đã hỗ trợ đầu tư cho nhiều bản vùng đệm với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, bản/năm. Khoản kinh phí này được dân bản sử dụng để đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất hoặc hỗ trợ vật liệu xây dựng các công trình công cộng. Trong đó, nhiều bản đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Qua thời gian vận hành, sử dụng, dự án thắp sáng bản làng bằng đèn năng lượng mặt trời càng phát huy hiệu quả khi mang lại niềm vui cho dân bản, tạo tiền đề cho bản làng phát triển hơn.
Ánh sáng “mới” đem lại sự đổi thay
Tháng 9/2023, bản Mét (xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, Nghệ An) được lắp đặt 15 cột đèn năng lượng mặt trời. Sau khi đi vào vận hành, hệ thống đèn năng lượng tại đây đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi diện mạo bản làng. Nhờ có đèn năng lượng mặt trời, ban đêm, gần 2km của tuyến Quốc lộ 48C chạy qua trung tâm bản đã sáng sủa, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông.
Ông Lê Quang Ba, bản Mét, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, Nghệ An cho biết: Trước đây chưa có hệ thống đèn năng lượng chiếu sáng, đường sá, bản làng vào ban đêm rất tối. Người dân đi lại, sinh hoạt rất khó khăn. Khi được Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, ưu tiên lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời, sinh hoạt của người dân thuận lợi hơn, tinh thần người dân trong bản rất phấn khởi. Đặc biệt, người dân nhận thức được trách nhiệm của cá nhân trong việc chung tay với lực lượng kiểm lâm quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng.
Với những bản làng vùng đệm nằm biệt lập trong đại ngàn, xa trung tâm xã, giao thông cách trở, điều kiện kinh tế còn khó khăn, dự án đèn năng lượng mặt trời càng có ý nghĩa thiết thực hơn.
Là một trong 4 bản của xã miền núi Nga My (huyện Tương Dương), Na Kho nằm biệt lập trong thung lũng, bao bọc tứ bề là núi và đại ngàn. Sau gần 80 năm lập bản, Na Kho có gần 80 hộ, hơn 370 nhân khẩu. Tuy đã có sự chuyển biến tích cực từ mọi mặt nhưng đời sống của nhân dân trong bản vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ bản vùng đệm theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Nhà nước, bản Na Kho được lắp đặt 15 cột đèn năng lượng mặt trời, đưa vào sử dụng từ tháng 11/2023. Từ thời điểm ấy, mỗi khi đêm xuống, bản làng trở nên sáng sủa, dân bản chấm dứt cảnh nhà nhà sớm “cửa đóng then cài” khi mặt trời lặn trên đỉnh Pù Hiêng.
Anh Lê Văn Xáo, bản Na Kho, xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An cho biết, từ khi có đèn năng lượng mặt trời người dân có nhiều thuận tiện, dễ dàng trong sinh hoạt, đi lại. Cùng chung tâm trạng với anh Xáo, anh Lương Văn Lém, bản Na Kho, xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An không giấu được niềm vui khi chia sẻ: “Dân bản ai cũng cảm thấy mừng, thấy vui, nhất là các mẹ, các bà cao niên trong bản. Có ánh sáng của đèn năng lượng mặt trời thắp sáng bản làng, ai cũng phấn khởi”.
Nhờ hệ thống đèn năng lượng mặt trời được lắp đặt trên trục đường kéo dài gần 1,5km mà 2 cụm dân cư tại bản Na Kho như xích lại gần hơn khi đêm xuống. Diện mạo trung tâm bản cũng đổi thay rõ rệt. Ông Lữ Văn Uôn, Trưởng bản Na Kho, xã Nga My, huyện Tương Dương cho biết, có đèn năng lượng mặt trời thắp sáng, ban đêm người dân không phải dùng đến đèn pin, đèn của điện thoại mỗi khi có việc cần phải đi từ nhà này sang nhà khác. Bản làng về đêm sáng rõ, các cháu nhỏ cũng có chỗ để vui chơi, các hoạt động văn hóa như tập văn nghệ, chơi thể thao của người dân cũng thuận lợi. Không những thế, hệ thống đèn năng lượng mặt trời còn tạo nên cảnh quan bản làng thêm sạch đẹp, khang trang.
Triển khai chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trên tinh thần người dân thôn bản vùng đệm lập kế hoạch, đề xuất, năm 2023, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã phê duyệt, lắp đặt được 7 hệ thống đèn năng lượng mặt trời tại 7 bản của 7 xã thuộc các huyện miền núi khó khăn như: Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu... Tuy đưa vào hoạt động chưa lâu, nhưng hiệu quả thiết thực mang lại từ hệ thống đèn năng lượng mặt trời tại các bản vùng khó, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã được minh chứng. Tại nhiều địa phương triển khai dự án, người dân và cấp ủy, chính quyền địa phương đã ghi nhận, đánh giá cao tính hiệu quả.
Ông Kha Văn Lập, Bí thư Đảng ủy xã Nga My, huyện Tương Dương cho biết, mô hình không chỉ đem lại ánh sáng mà còn đưa nhận thức của người dân các bản khó khăn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nói chung đi lên. Thông qua mô hình, người dân đã chủ động tham gia các phần việc còn lại về môi trường, giao thông, thiết chế văn hóa, an ninh thôn bản. Nhờ đó, các tiêu chí về nông thôn mới ở các bản làng ngày càng được nâng lên.
Cộng đồng lựa chọn và hưởng thụ
Phát huy hiệu quả chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đã xây dựng kế hoạch để nhiều bản thuộc diện được thụ hưởng có hệ thống đèn năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, để được thụ hưởng sự hỗ trợ này, người dân các bản phải gắn với kế hoạch, cam kết bảo vệ rừng đặc dụng. Nếu thôn, bản nào bảo vệ rừng không tốt, Ban Quản lý rừng đặc dụng có quyền chuyển vốn hỗ trợ cho thôn bản khác.
Ông Võ Minh Sơn, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Nghệ An cho biết, thực hiện Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh Nghệ An, đơn vị đã đồng hành với người dân thôn, bản trong việc hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng vùng đệm. Hoạt động lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời là một trong những nội dung mà cộng đồng đã chọn, được đơn vị triển khai rất tốt. Qua đó, người dân càng nâng cao nhận thức, đồng hành cùng lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Cũng theo ông Sơn, nhiều năm trước, đơn vị đã triển khai các hoạt động như: làm sân bóng chuyền, tu sửa nhà cộng đồng, làm các tuyến đường dân sinh… tạo tiền đề cho các bản làng vùng đệm phát triển. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường hỗ trợ sinh kế cho người dân nhiều hơn. Tất cả mọi hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng được đơn vị thực hiện dựa trên ý kiến dân nguyện, đề xuất của quần chúng nhân dân. Những nơi mà cộng đồng đề xuất thiết yếu trước, đơn vị sẽ tiến hành triển khai.
Vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có hơn 120 bản thuộc 15 xã của 5 huyện miền núi Nghệ An, trong đó, cộng đồng dân tộc Thái chiếm hơn 90%. Dù có nhiều đổi thay theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên đời sống kinh tế của người dân các bản vùng đệm vẫn còn khó khăn, sinh kế gắn liền với rừng, do đó, áp lực lên rừng đặc dụng vẫn còn lớn. Việc triển khai các chương trình, dự án tạo sinh kế bền vững, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong bản là việc làm thiết thực, sát sườn, cần sớm triển khai.