Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024 nhằm tôn vinh nghề muối truyền thống, nâng cao giá trị nghề muối của Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng; đồng thời, khơi dậy tình yêu nghề truyền thống của thế hệ trẻ có trình độ tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp từ nghề muối. Sự kiện nhằm tăng cường mối liên kết các sản phẩm của người làm muối đến với thị trường, quảng bá nghề muối và các giá trị nghề, nâng cao giá trị kinh tế từ nghề muối…
Với chủ đề "Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam", Festival dự kiến sẽ có 30 nội dung chính (trong đó có 25 nội dung do tỉnh thực hiện và 5 nội dung phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện) và 10 hoạt động chính trong những ngày diễn ra sự kiện.
Cụ thể, hoạt động chính diễn ra trong khôn khổ Festival (dự kiến từ ngày 26 - 28/12/2024) sẽ bao gồm: lễ khai mạc Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024 và bế mạc Festival; chương trình khảo sát thực tế cánh đồng muối tỉnh Bạc Liêu và lễ khánh thành dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải (huyện Đông Hải); Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm và triển lãm thương mại các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã; Hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Hội thảo "Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất muối, thích ứng với biến đổi khí hậu"…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, muối Bạc Liêu (còn gọi là muối Ba Thắc) là thương hiệu dân gian nổi tiếng từ lâu đời, gắn liền với người làm muối tỉnh Bạc Liêu và trở thành nghề truyền thống của người dân xứ biển. Nghề muối tỉnh Bạc Liêu được hình thành và phát triển hơn 100 năm.
Với gần 1.500 ha, Bạc Liêu là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước. Trong niên vụ năm 2023, sản lượng muối toàn tỉnh đạt trên 27.000 tấn; trong đó, muối trắng trải bạt là hơn 7.300 tấn, còn lại là muối sản xuất truyền thống. Năng suất trung bình đạt gần 17 tấn/ha (đối với sản xuất muối truyền thống) và trên 37 tấn/ha (đối với muối trải bạt). Tổng số hộ sản xuất muối năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 767 hộ với 1.520 lao động. Năm 2024, việc sản xuất muối của các hộ dân trên địa bàn tiếp tục thuận lợi nhờ nắng nóng kéo dài. Qua đó, giúp cho người làm muối gia tăng thu nhập từ nghề truyền thống.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, dù còn nhiều khó khăn nhưng người làm muối Bạc Liêu luôn quyết tâm bám trụ nghề với niềm hy vọng, nghề muối sẽ khởi sắc. Do đó, chủ trương của tỉnh là phải giữ được nghề muối truyền thống. Điều này được khẳng định thông qua việc phê duyệt Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 - 2030.
Sản phẩm muối ăn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận chỉ dẫn địa lý năm 2013. Cuối năm 2020, nghề muối tỉnh Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Muối Bạc Liêu không chỉ được nhiều người ưa chuộng, sử dụng rộng rãi trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước, nhất là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc... Đến nay, 10 sản phẩm muối được công nhận đạt chứng nhận OCOP.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, những năm qua, để nâng tầm sản phẩm, khai thác hiệu quả chứng nhận chỉ dẫn địa lý, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo hỗ trợ các công ty muối quy trình công nghệ để chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ hạt muối, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và định hướng xuất khẩu...