70 năm giải phóng tỉnh Bắc Kạn:

Bắc Kạn 7 thập kỷ vươn lên

Bắc Kạn là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, nằm ở trung tâm vùng căn cứ địa Việt Bắc. Đây từng là an toàn khu trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.


Năm 1949, thị xã Bắc Kạn là thị xã đầu tiên của cả nước được giải phóng, là bước ngoặt mở đầu cho những thắng lợi lớn tiếp theo của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Sau giải phóng, nhiều thế hệ người con Bắc Kạn đã cống hiến sức người, sức của cùng với cả nước bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

70 năm qua, Bắc Kạn đã vươn mình phát triển, quê hương ngày càng đổi mới, đời sống người dân ngày càng ấm no.

Chú thích ảnh

Câu chuyện lịch sử

Sau thất bại trong cuộc tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc năm 1947, bước sang năm 1948, thực dân Pháp buộc phải chuyển hướng chiến lược, từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh lâu dài”. Chúng thay thế cuộc tiến công, hành quân lớn bằng những cuộc hành quân nhỏ, không nhằm trực tiếp tiêu diệt chủ lực mà đánh ta về chính trị, kinh tế.

Thực hiện âm mưu đó, chúng cho quân đóng lại và củng cố 5 cứ điểm theo dọc quốc lộ 3 là thị xã Bắc Kạn, thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông), Nà Phặc, huyện lỵ Ngân Sơn (nay là xã Vân Tùng) và Bằng Khẩu (Ngân Sơn). Ngoài ra, chúng còn lập thêm một số đồn bốt khác ở Nà Cù (Bạch Thông); Bành Trạch (Chợ Rã); Lủng Vài, Lủng Phải, Mèo Đăm (Ngân Sơn).

Tại Thị xã Bắc Kạn, chúng luôn duy trì một lực lượng quân sự khoảng 500 tên và khoảng 200 lính chốt các vị trí ở Phủ Thông, Nà Phặc, Ngân Sơn. Riêng ở Bằng Khẩu, sau những lần bị ta tập kích tiêu diệt, chúng cho tăng quân lúc cao điểm lên tới 600 tên. Ở các cứ điểm, quân địch đều có hỏa lực mạnh, súng lớn các loại và hệ thống hầm hào, công sự kiên cố. Cùng với việc củng cố các cứ điểm, chúng thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét nhằm mục đích khủng bố, giết người, cướp bóc lương thực, thực phẩm. Thực hiện âm mưu về chính trị, quân Pháp cho thi hành những chính sách hết sức thâm độc nhằm lừa gạt, chia rẽ các dân tộc của ta để phá khối đoàn kết kháng chiến.

Trong tình hình mới, Đảng bộ và nhân dân Bắc Kạn đã chủ động đối phó âm mưu của địch về chính trị, ta vạch trần âm mưu thâm độc, cảnh cáo bọn Việt gian thông qua nhiều truyền đơn ở thị xã, thị trấn; tiến hành trừng trị các tổ chức, tay sai đắc lực tiếp tay giúp Pháp liên hệ với thổ phỉ tham gia chỉ điểm, chống phá cách mạng. Trên mặt trận kinh tế, ngoài việc triệt để tiêu thổ kháng chiến xung quanh các vị trí chiếm đóng của địch gây không ít khó khăn cho chúng về hậu cần, Đảng bộ tỉnh còn phát động phong trào thi đua sản xuất lương thực, thực phẩm; các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn đã triển khai tốt phong trào này.

Năm 1949, chúng ta mở các trận đánh và giành thắng lợi vang dội ở Phủ Thông; Ngân Sơn, buộc địch phải rút chạy khỏi thị xã, Bắc Kạn được giải phóng. Ngày 24/8/1949, lễ mít tinh mừng chiến thắng đã diễn ra ở thị xã Bắc Kạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư khen ngợi quân và dân Bắc Kạn.

Ngay sau khi giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Bắc Kạn đã nhanh chóng bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng hậu phương, phục vụ tiền tuyến, cùng cả nước tiếp tục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến thắng lợi cuối cùng. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước chống Pháp và chống Mỹ, Bắc Kạn đã có hơn 9 nghìn người cầm súng xung phong ra mặt trận. Hơn 2.000 con em đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã anh dũng hy sinh để cùng cả nước giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Trong chiến đấu, nhiều đồng chí đã lập công xuất sắc, nhiều cán bộ, chiến sỹ được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, đất nước hoàn toàn độc lập, phát huy truyền thống cách mạng, Bắc Kạn cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một sự kiện đặc biệt là ngày ngày 1/1/1997, lễ công bố quyết định thành lập lại tỉnh Bắc Kạn được tổ chức trọng thể tại sân vận động trung tâm thị xã Bắc Kạn. Sự kiện này đã đánh dấu bước phát triển mới của tỉnh.

Chú thích ảnh

Bắc Kạn vươn mình đi lên

Khi mới tái lập, tỉnh Bắc Kạn gặp rất nhiều khó khăn: Tình hình kinh tế, xã hội  kém phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm do đặc trưng là kinh tế thuần nông. Thu ngân sách thấp, chưa đáp ứng 10% nhu cầu chi toàn tỉnh. Cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng thấp kém, nhà cửa, phương tiện làm việc, đi lại thiếu thốn, đường giao thông khó khăn. Tỷ lệ đói nghèo chiếm hơn 50% số hộ dân. Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và sự nỗ lực quên mình của cán bộ, nhân dân, trải qua 70 năm sau ngày giải phóng, Bắc Kạn đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Xác định nông, lâm nghiệp là hướng đi chính trong phát triển kinh tế, Bắc Kạn đã tập trung nhiều nguồn lực phát triển lĩnh vực này. Ngoài nguồn lực từ TW, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển nông, lâm nghiệp. Nhờ đó, từ chỗ trước đây nhiều hộ còn thiếu ăn, đến nay tỉnh đã đảm bảo an ninh lương thực. Nông nghiệp hàng hóa phát triển nhanh, nhiều vùng chuyên canh như: Vùng chuyên canh cây cam, quýt; cây dong riềng; cây hồng không hạt, cây nghệ … đã hình thành. Những sản phẩm nông sản đặc trưng đã và đang vươn mình ra thị trường trong và ngoài nước. Những cánh rừng giờ đây đã bạt ngàn màu xanh, gỗ từ rừng trồng đã giúp công nghiệp chế biến lâm sản phát triển nhanh và mạnh tại Bắc Kạn. Những hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng từ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông, lâm sản xuất hiện ngày càng nhiều. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh chóng. Nếu như khi tái lập tỉnh, tỉ lệ hộ nghèo còn chiếm trên 50% thì đến nay theo chuẩn nghèo mới toàn tỉnh chỉ còn hơn 21%.

Giáo dục cũng là thành tựu quan trọng mà Bắc Kạn đã đạt được sau 7 thập kỷ phát triển. Nếu như trước đây, nhiều dân chưa biết chữ, phòng học tạm bợ, thiếu giáo viên giảng dạy thì đến nay đã vươn lên phát triển toàn diện. Với bậc học mầm non, toàn tỉnh đã có gần 47% số phòng học được xây dựng kiên cố, tỷ lệ này của bậc tiểu học là gần 54% và THCS là hơn 72%. Tất cả các trường THPT đã xây dựng kiên cố. Toàn tỉnh đã có hơn 100 trường học đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ giáo viên phổ thông đạt chuẩn hơn 82%.Tất cả trẻ em, học sinh đã được đến trường. Đặc biệt, ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, giáo dục luôn được quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ.

Một thành tựu nổi bật nữa là công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ở tất cả các huyện và thành phố, các trung tâm y tế đã được nâng cấp cải tạo hệ thống cơ sở vật chất, máy móc ngày càng hiện đại. Tỉnh cũng đã xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh, quy mô 500 giường bệnh, với máy móc, thiết bị hiện đại. Bệnh viện đã khám, điều trị được nhiều căn bệnh mà trước đây phải chuyển về tuyến TW. Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm xây dựng đội ngũ y, bác sỹ giỏi về chuyên môn, chuẩn mực về đạo đức để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Nổi bật trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân là hệ thống y tế cơ sở đã phủ khắp các xã. Đến nay 100% các xã, phường, thị trấn đã có nhà trạm; Hơn 94 % trạm y tế xã có bác sỹ làm việc; 100% thôn, bản, tổ phố có nhân viên y tế thôn bản hoạt động. Nhờ hệ thống y tế cơ sở này, người dân đã dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản. Nếu như trước đây, một số bệnh lý thông thường người dân phải lặn lội lên tận trung tâm huyện thì bây giờ họ được khám, chữa bệnh ngay tại các trạm y tế xã.

Ông Lý Thái Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết Bắc Kạn đã cùng cả nước đấu tranh giành độc lập, nhìn lại một chặng đường đặc biệt là sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, đời sống của các nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã nâng lên một bước, đặc biệt là thu nhập bình quân đầu người của Bắc Kạn bây giờ đã được 31 triệu đồng ( tăng 24,4 lần so với 1997 tái lập tỉnh), tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống hơn một nửa, từ 50% xuống còn 21,5%. Hệ thống điện đường trường trạm, trụ sở, bộ mặt đô thị từng bước nâng cao khiến nhiều sau nhiều năm quay lại Bắc Kạn phải ngỡ ngàng. Trong thời gian tới, Bắc Kạn sẽ tập trung phát triển kinh tế rừng, phát triển du lịch Ba Bể, du lịch lịch sử, tập trung trong sản xuất công nghiệp chế biến, đầu tư các kết nối hạ tầng quan trọng để kết nối vùng.

Tuyến đường BOT từ huyện Chợ Mới đi Thái Nguyên hoàn thành kết nối với tuyến cao tốc Thái Nguyên đi Hà Nội đã giúp việc đi lại thông thương hàng hóa dễ dàng hơn. Nếu như trước đây, đi từ thủ đô Hà Nội đến Bắc Kạn mất từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ, thì nay, thời gian rút ngắn chỉ còn hơn 2 tiếng. Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh là hơn 7 nghìn km. Trong đó có 5 tuyến quốc lộ dài hơn 456 km; 13 tuyến đường tỉnh dài hơn 450 km.

Hạ tầng ngày càng phát triển tạo điều kiện cho Bắc Kạn phát triển công nghiệp, dịch vụ và thu hút đầu tư vào tỉnh. Khu công nghiệp Thanh Bình ở huyện Chợ Mới kết nối với tuyến BOT mới hoàn thành đã trở thành trung tâm công nghiệp thu hút nhiều nhà đầu tư đến làm ăn. Ngoài ra, Bắc Kạn cũng phát triển mạnh công nghiệp khai khoáng. Trong đó chú trọng chế biến sâu các sản phẩm từ khoáng sản để nâng cao giá trị. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản cũng là thế mạnh của tỉnh. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, đây đã và đang là lĩnh vực có đóng góp không nhỏ và tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Hồ Ba Bể, viên ngọc xanh giữa đại ngàn Việt Bắc là trọng điểm phát triển du lịch, dịch vụ của Bắc Kạn.Với chính sách đưa du lịch, dịch vụ trở thành động lực tăng tưởng quan trọng, Bắc Kạn đã và đang thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào đây. Toàn tỉnh hiện có 152 di tích lịch sử và danh thắng, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 06 di tích cấp quốc gia, 36 di tích cấp tỉnh đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng trong chính sách phá triển du lịch văn hóa, lịch sử của tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến Bắc Kạn đạt gần 485 nghìn lượt.

Đồng chí Nguyễn Văn Du, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn nhấn mạnh rằng để phát huy truyền thống quê hương Bắc Kạn anh hùng và thành quả đã đạt được, trong thời gian tới đảng bộ các dân tộc tỉnh Bắc Kạn tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng, tăng cường xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh phải tinh gọn, hoạt động có hiệu quả. Phát huy các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt về giao thông, trường học, y tế, phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch, quản lý tốt tài nguyên khoáng sản, ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

70 năm đã trôi qua, những địa danh gắn liền với sự kiện giải phóng Bắc Kạn năm xưa giờ đã trở thành những đô thị sầm uất. Bộ mặt của tỉnh đang đổi thay từng ngày, cuộc sống người dân ngày càng ấm no. Phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, quân và dân Bắc Kạn sẽ tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

Vũ Hoàng Giang
Tỉnh Bắc Kạn kiên quyết xử lý nghiêm vụ phá rừng tại huyện Bạch Thông
Tỉnh Bắc Kạn kiên quyết xử lý nghiêm vụ phá rừng tại huyện Bạch Thông

Chiều 14/6, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức kiểm tra và làm việc về vụ khai thác gỗ nghiến trái pháp luật tại khu vực giáp ranh giữa hai xã Sĩ Bình và Vũ Muộn, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN