Ông Lý Thái Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh: Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, đặc biệt là việc có nhiều cán bộ đảng viên tham gia phá rừng, cần có biện pháp xử lý ngay và sớm hoàn tất hồ sơ vụ án, đem ra khởi tố, xét xử công khai.
Theo đó, trong số các đối tượng bị công an huyện Bạch Thông triệu tập liên quan tới vụ phá rừng nghiêm trọng này, có ba đảng viên là Trưởng thôn kiêm Công an viên, Thôn đội trưởng và một người là con trai của Bí thư thôn. Điều đáng nói là ngay cả những người tham gia hoạt động ở thôn cũng trực tiếp phá rừng khiến vụ việc khó có thể bị phát hiện.
Tại buổi làm việc, các bên liên quan đã nhận trách nhiệm, đóng góp ý kiến, nêu ra các biện pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới như tăng cường tuyên truyền tới người dân về Luật Lâm nghiệp, Chỉ thị số 13 – CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng; Chỉ thị 08/TU của Tỉnh ủy Bắc Kạn về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép; chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tiếp tục thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao...
Ông Nguyễn Hữu Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn đã nhận trách nhiệm quản lý nhà nước trước hết thuộc về đơn vị kiểm lâm, địa điểm vận chuyển lâm sản ngay gần đường lớn nhưng kiểm lâm không hề phát hiện ra.
Còn ông Triệu Văn Tuệ - Cán bộ kiểm lâm phụ trách khu vực xã Sĩ Bình cho biết, khu vực khai thác gỗ nằm ở xa trong khu vực núi đá, đơn vị kiểm lâm mặc dù đã tổ chức tuần rừng định kỳ, tuy nhiên vẫn chưa tuần tra tới khu vực này, nên trong thời gian qua, vẫn chưa phát hiện được vụ việc. Địa bàn rộng lớn nhưng số lượng kiểm lâm chỉ có hạn, mỗi cán bộ kiểm lâm huyện Bạch Thông phụ trách hơn 2.000 km3 rừng nên vẫn còn nhiều sai sót.
Kết luận buổi làm việc, ông Lý Thái Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh, để xảy ra vụ việc là do chính quyền chưa giao rừng cho người dân quản lý; buông lỏng quản lý nên không nắm bắt được thông tin, chậm xử lý. Ông Lý Thái Hải yêu cầu, các thôn có rừng cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, tăng cường cán bộ, củng cố chính quyền cơ sở ở những nơi có rừng tự nhiên, rừng đặc dụng. Lãnh đạo, cán bộ hai xã Vũ Muộn và Sỹ Bình phải kiểm điểm trách nhiệm khi để xảy ra phá rừng. Các thôn phải củng cố, sắp xếp cán bộ ở cơ sở. Lực lượng kiểm lâm cần tăng cường tuần tra điểm nóng, thường xuyên phối hợp với cấp cơ sở. Những trường hợp cán bộ kiểm lâm vi phạm nếu có phải xử lý nghiêm để nêu gương.
Theo TTXVN đã thông tin trước đó, vào khoảng 17 giờ ngày 04/06/2019, trên đường liên xã thuộc địa phận xã Vũ Muộn, lực lượng Công an huyện Bạch Thông đã mai phục, bắt quả tang xe tải biển kiểm soát 97C-015.65 do Dương Văn Tuệ, sinh năm 1980, trú tại thôn Tân Lập, xã Vũ Muộn điều khiển theo hướng từ thôn Đâng Bun ra thôn Tân Lập xã Vũ Muộn, chở nhiều thanh gỗ nghiến.
Đấu tranh mở rộng điều tra, Công an huyện Bạch Thông đã triệu tập gần 20 đối tượng liên quan lên làm việc. Từ lời khai của các đối tượng, lực lượng chức năng đã kiểm tra tại các khu rừng Cốc Lần, Lủng Piao, Pác Lào, Nặm Tốc, Đét Đốm thuộc địa phận các thôn Khuổi Đẳng, Nà Phia (xã Sỹ Bình) và Đâng Bun (xã Vũ Muộn), phát hiện 41 cây gỗ nghiến (thuộc nhóm IIA) bị chặt hạ trái phép; trong đó, có 18 cây đứng, mới bị chặt hạ, lá còn xanh và 23 cây đã bị chặt từ trước. Tổng khối lượng gỗ bị chặt hạ trái phép ước khoảng 100 m3.
Những khu rừng có cây bị chặt hạ trái phép đều là rừng phòng hộ tự nhiên, thuộc các xã CT229 (vùng quốc phòng, an ninh). Lực lượng chức năng đã thu giữ 5 cưa máy, 1 xe ô tô, 7 xe máy, 1 con ngựa thồ và nhiều gỗ nghiến dạng thanh, thớt. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 120 thanh gỗ nghiến tại các khe, suối, bìa rừng tại thôn Đâng Bun, xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông.