Xử lý nghiêm người đứng đầu đơn vị, địa phương xảy ra ken cây, phá rừng

Trước việc nhiều khu vực trên địa bàn xảy ra tình trạng ken cây, đổ hóa chất để phá rừng, lấn đất nghiêm trọng xảy ra, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo triển khai các biện pháp quyết liệt để xử lý nghiêm.

Theo đó, người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra tình trạng đó sẽ bị xử lý nghiêm trách nhiệm. 

Chú thích ảnh
Rừng bị chặt phá trong rạng sáng ngày 14/5/2019 tại thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). 

Tại Công điện số 3272 ngày 31/5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt nhận định: Thời gian qua, tình trạng ken cây, bỏ hóa chất làm chết cây rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp, sang nhượng đất lâm nghiệp trái pháp luật gia tăng, diễn biến phức tạp, liên tục xảy ra trên địa bàn các huyện Lâm Hà, Lạc Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm, thành phố Đà Lạt… Nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền cấp huyện, xã, các đơn vị chủ rừng và lực lượng chức năng chưa thực hiện quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Việc quản lý, bảo vệ rừng lỏng lẻo, không kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm ngay từ khi vụ việc mới phát sinh; chưa kịp thời giải tỏa, thu hồi diện tích đất lâm nghiệp do phá rừng, lấn chiếm trái pháp luật để trồng lại rừng… gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng, môi trường sinh thái và ảnh hưởng xấu đến dư luận.

Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp kiểm tra thường xuyên, liên tục, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh tình trạng ken cây, phá rừng, lấn chiếm đất, san ủi sang nhượng trái phép, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách phải tập trung nguồn lực để ngăn chặn, xử lý dứt điểm từ khi phát sinh. Các chủ rừng rà soát toàn bộ diện tích bị ken cây, phá rừng trước đây để giải tỏa, thu hồi diện tích này và đưa vào trồng lại rừng ngay trong mùa mưa 2019. Cơ quan chức năng đưa ra xét xử lưu động các đối tượng vi phạm và áp dụng mức hình phạt nghiêm minh để tăng tính răn đe giáo dục trong cộng đồng; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra tình trạng ken cây, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp mà không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn xử lý, không thực hiện việc giải tỏa, thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng lại, phục hồi rừng…

Những năm gần đây, diện tích rừng, nhất là rừng thông tại thành phố Đà Lạt và các địa phương thuộc tỉnh Lâm Đồng liên tục bị tàn phá để lấy đất ở, đất sản xuất. Nguyên nhân do địa phương này được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng. Bởi vậy, giá đất ở, đất sản xuất ở địa phương này thuộc hạng cao nhất cả nước. Mỗi ha đất sản xuất ở nơi có đường máy kéo tới được có giá hàng tỉ đồng. Tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xảy ra tình trạng những người dân ken cây, đổ hóa chất giết chết cây rừng ở khu vực giáp ranh với vườn, rẫy của mình để lấn đất…

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã ra nhiều văn bản chấn chỉnh tình trạng này, tuyên bố sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu các đơn vị, chính quyền địa phương. Tuy nhiên tới thời điểm này, vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý. Trong khi đó, nhiều diện tích đất lâm nghiệp bị xâm lấn, người sử dụng đất trái pháp luật ngang nhiên xây nhà, xây tường bao, trồng cây...

Tin, ảnh: Quốc Hùng (TTXVN)
Phá rừng chiếm đất - Thách thức trong quản lý rừng Tây Nguyên
Phá rừng chiếm đất - Thách thức trong quản lý rừng Tây Nguyên

Những năm gần đây, khi giá bất động sản tăng lên chóng mặt, việc người dân thiếu đất sản xuất tăng cao cũng là lúc tình trạng phá rừng chiếm đất ở Tây Nguyên ngày càng nóng bỏng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN