Phá rừng chiếm đất - Thách thức trong quản lý rừng Tây Nguyên

Những năm gần đây, khi giá bất động sản tăng lên chóng mặt, việc người dân thiếu đất sản xuất tăng cao cũng là lúc tình trạng phá rừng chiếm đất ở Tây Nguyên ngày càng nóng bỏng.

Chú thích ảnh
Khu vực rừng thông ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) bị hạ độc. Ảnh: Quốc Hùng - Đặng Tuấn/TTXVN

Vụ việc hơn 10 ha rừng thông ba lá ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) mới đây bị “đầu độc” chết khô là một hồi chuông báo động về vấn nạn phá rừng chiếm đất. Đầu độc rừng thông đã xảy ra rất nhiều ở Lâm Đồng trong suốt những năm qua, nhưng với quy mô lớn như vừa rồi thì hầu như chưa có tiền lệ.

Những cánh rừng thông hàng chục năm tuổi đã chuyển hẳn sang màu nâu đỏ thay vì màu xanh như thường thấy. Các cây thông chết khô, nhưng không bị triệt hạ để lấy gỗ mà mục đích chính của việc hạ độc này là nhằm lấn chiếm đất rừng để trồng hoa màu, cà phê.

Thủ đoạn của các đối tượng hạ độc rừng thông cũng hết sức tinh vi. Các đối tượng này dùng khoan di động tạo các lỗ nhỏ trên thân cây rồi đổ thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ vào để cây chết từ từ. Hầu như đến khi cây chuyển lá màu xanh sang héo úa, cơ quan chức năng mới phát hiện và không xác định được thủ phạm.

Đa số các vụ đầu độc thông rừng đều xảy ra ở khu vực giáp ranh giữa vườn sản xuất của người dân và đất rừng, ít thì vài cây, nhiều thì lên đến cả chục ha rừng.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng thừa nhận, những năm qua số vụ phá rừng ở Lâm Đồng có giảm nhưng số vụ phá rừng vắng chủ lại tăng lên đáng kể, chủ yếu các vụ việc này do đối tượng phá rừng để chiếm đất bán lại, có giá trị hơn nhiều. Nếu những vụ phá rừng vắng chủ không được giải quyết dứt điểm như hiện nay sẽ khó mà bảo vệ rừng bền vững.

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tiến hành kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và công bố, tính từ năm 2013 đến nay, địa phương này đã mất khoảng 90.000 ha rừng; trong đó, chủ yếu là rừng thông. Tốc độ mất rừng diễn ra nhanh nhất trong các năm từ 2013 đến năm 2016. Năm 2010 tỉnh Lâm Đồng có khoảng 602.000 ha rừng (độ che phủ 61,2%) nhưng đến năm 2018 độ che phủ còn 54%).

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, toàn khu vực Tây Nguyên trong 2 năm 2017 và 2018 đã xảy ra hơn 1.800 vụ phá rừng trái phép; trong đó có trên 1.200 vụ phá rừng chiếm đất làm nương rẫy gây thiệt hại hơn 700 ha rừng các loại. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2019, cơ quan chức năng các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện gần 200 vụ phá rừng với mục đích lấn chiếm làm đất sản xuất.

Chú thích ảnh
Rừng bị phá ngay cạnh tỉnh lộ 725, thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) là vị trí thuận lợi để chiếm đất làm nhà. Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên do Tổng cục Lâm Nghiệp tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng nhận định, tình trạng lấn chiếm đất rừng rồi sang nhượng diễn biến hết sức phức tạp và là khó khăn, thách thức trong bảo vệ rừng tại địa phương.

“Thủ đoạn bơm thuốc đầu độc rừng thông khiến cây chết được thực hiện rất tinh vi nên lực lượng kiểm lâm quản lý không xuể” - ông Y Giang Gry Niê Knơng nhấn mạnh.

Tại Đắk Nông, trong 4 tháng đầu năm 2019 đã xảy ra 143 vụ phá rừng trái phép; trong đó, đa phần là những vụ phá rừng chiếm đất làm nương rẫy. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh này, tình trạng phá rừng tuy giảm về số vụ nhưng để ngăn chặn và khởi tố hình sự lại vô cùng khó.

Tương tự, trong những tháng đầu năm 2019, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã xử lý hình sự 24 vụ việc liên quan đến lấn chiếm đất rừng. Ông Nguyễn Nhĩ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho rằng, việc bảo vệ rừng hiện nay như một bức tranh màu xám, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, ít dân cư, rừng rất dễ bị triệt hạ. Trong khi đó, tình trạng dân số tăng, dân di cư tự do bùng phát cũng khiến tình trạng phá rừng chiếm đất sản xuất ngày một phức tạp, làm gia tăng áp lực bảo vệ rừng của lực lượng chức năng.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, trong Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng chiếm đất sản xuất. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ phải từ gốc, giải quyết hệ lụy từ di dân tự do ở Tây Nguyên theo đúng pháp luật để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất sản xuất. Đồng thời, phải xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm, nhất là những đối tượng cầm đầu lợi dụng người dân không có đất sản xuất để tổ chức phá rừng, tạo ra điểm nóng về phá rừng chiếm đất ở Tây Nguyên.

Nguyễn Dũng (TTXVN)
Khởi tố vụ án hàng ngàn cây thông bị hạ độc ở Lâm Đồng
Khởi tố vụ án hàng ngàn cây thông bị hạ độc ở Lâm Đồng

Công an tỉnh Lâm Đồng giao cho Công an huyện Lâm Hà khởi tố vụ án hơn 10 ha cây thông 17 năm tuổi ở tiểu khu 292, xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà) bị hạ độc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN