Bà Rịa-Vũng Tàu tăng trưởng ấn tượng nhờ những giải pháp quyết liệt

Ngày 28/12, Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã họp báo cho biết, Tổng cục Thống kê tính toán tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) không tính dầu khí năm 2023 của Bà Rịa-Vũng Tàu theo giá so sánh năm 2010 ước đạt gần 123.000 tỷ đồng, tăng 5,75% so với năm 2022; trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,69%, dịch vụ tăng 3,52% và nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,48%. Đây là kết quả rất ấn tượng bởi năm qua, kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
Hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất của Tập đoàn Hóa chất HyosungVina (Hàn Quốc) ở Khu công nghiệp Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Theo phân tích của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngoài dầu thô và khí đốt do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trực tiếp quản lý thì nhân tố kéo tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh chủ yếu là nhóm ngành chịu tác động trực tiếp từ chỉ đạo, điều hành của tỉnh.

Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Mai Ngọc Thuận cho biết, trước tình hình khó khăn của nền kinh tế, từ cuối năm 2022, tập thể lãnh đạo tỉnh xác định, tỉnh cần tập trung phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh đầu tư công, nhằm tạo sức lan tỏa để phát triển các ngành, lĩnh vực khác trên địa bàn, tạo việc làm và sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho phát triển. Theo đó, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành các nghị quyết làm cơ sở để triển khai, đồng thời, theo dõi, đôn đốc sát sao quá trình thực hiện.

Để đẩy nhanh đầu tư công, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục triển khai dự án, đồng thời, giao các Sở, ngành, địa phương thu xếp, bố trí sẵn sàng nguồn vật liệu. Song song đó, tỉnh quyết liệt triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tỉnh thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã với lãnh đạo cấp ủy là Trưởng ban chỉ đạo, thành phần trong Tổ công tác có sự tham gia của các Ban đảng, mặt trận, tổ chức đoàn thể.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, sát sao đã đem lại hiệu quả rõ rệt, các dự án đã khởi công theo đúng kế hoạch đề ra; trong đó có những dự án trọng điểm như dự án thành phần 3 đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trị giá gần 5.000 tỷ đồng, dự án cầu Phước An với tổng mức đầu tư 4.900 tỷ đồng, dự án đường ven biển 994 tổng mức đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng.

Nhờ đó, đến hết năm 2023, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã giải ngân được hơn 16.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt gần 96% kế hoạch năm. Các dự án được triển khai đã giúp tạo thêm việc làm, một lượng tiền lớn ngân sách được đưa vào xã hội giúp cho hàng hóa lưu thông mạnh, góp phần kích thích kinh tế của tỉnh tăng trưởng.

Bên cạnh việc đẩy nhanh các dự án đầu tư công, tỉnh cũng tập trung cao độ cho tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, các dự án trên địa bàn. Theo Văn phòng UBND tỉnh, từ trước đến nay, chưa năm nào UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu họp bàn, dành nhiều thời gian cho tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư như năm 2023. Việc họp quá trưa, quá chiều, họp vào buổi tối và cả thứ 7, chủ nhật liên tục diễn ra.

Thành lập từ ngày 17/5/2023 đến nay, Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư (Tổ 997) của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiếp nhận và xử lý dứt điểm 18/47 vướng mắc, kiến nghị. Tổ phó Tổ 997, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết, tỉnh đang tích cực phối hợp với các Bộ ngành Trung ương sớm tháo gỡ số vướng mắc, khó khăn còn lại.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, hằng ngày đã dành khoảng thời gian từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30 cho gặp gỡ nhanh với doanh nghiệp, nhà đầu tư, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo xử lý. Mỗi thứ 5 hằng tuần, đích thân Chủ tịch tỉnh trực tiếp tiếp công dân và doanh nghiệp. Tỉnh sẽ làm liên tục, đến cùng từ khi tiếp nhận thông tin những khó khăn, vướng mắc đến khi kết thúc vụ việc.

Một việc làm thiết thực, hiệu quả nữa của tỉnh là đứng ra chủ trì tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị để làm cầu nối điều hòa, kết nối cung cầu hàng hóa, vật tư, nguyên liệu giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và khu vực, tạo điều kiện cho các chủ thể kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điển hình là ngày 7/8/2023, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị kết nối chuỗi cung ứng vật tư sản xuất cho các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi để Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí giới thiệu tiềm năng, nhu cầu về thép đối với các doanh nghiệp ngành thép và các hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mới đây, ngày 15/12/2023, tỉnh cũng đã tổ chức Hội thảo kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm hóa dầu giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp trung và hạ nguồn.

Ngoài ra, Sở Công Thương, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cũng tổ chức nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá, kết nối hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, người dân đã làm tăng khả năng tiêu thụ hàng hóa và sự trao đổi, hợp tác giữa các doanh nghiệp, vùng miền.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tân Phước Thịnh Phạm Văn Triêm đánh giá, năm qua, tỉnh đã hành động nhanh và cụ thể để giúp doanh nghiệp. Điển hình là Kế hoạch 38/KH-UBND về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được tỉnh ban hành rất kịp thời đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn và lấy lại động lực phát triển.

Nhờ chủ trương đúng và thực hiện quyết liệt, kinh tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chuyển biến rất tích cực. Cụ thể, quý đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh chỉ đạt 1,1%, nhưng đã tăng nhanh qua các quý và đến quý IV, tăng trưởng đã đạt 2 con số lên 10,6%. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên trong năm 2023 đạt hơn 55.000 tỷ đồng, tăng hơn 17,8% so với năm 2022.

Thu ngân sách năm 2023 đạt hơn 95.000 tỷ đồng, vượt 6.400 tỷ đồng so với Nghị quyết đề ra. Có hơn 2.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới , tăng 5,58% so với năm 2022, chỉ có 342 doanh nghiệp giải thể giảm 6,3% so với năm ngoái và có gần 1.100 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Thu nhập bình quân đầu người theo giá thực tế đạt gần 193 triệu đồng/người/năm, tương ứng 8.078 USD/người/năm, tăng 278 USD/người so với năm 2022.

Năm 2023, tỉnh còn thu hút thêm khoảng 61.600 tỷ đồng vốn đầu tư mới và và vốn tăng thêm của các dự án, tương đương 2,52 tỷ USD, tăng hơn 26% so với năm 2022 và đạt gần 149% kế hoạch năm; trong đó, thu hút FDI đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 92% so với năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực và là cơ sở cho tỉnh phát triển hơn trong năm 2024.

Giữa tháng 12/2023, tỉnh đã phân giao kế hoạch về các sở, ngành, địa phương và hiện nay tất cả các địa phương đã bắt tay vào triển khai công việc của năm 2024. Với những bài học kinh nghiệm tốt của năm 2023, đà tăng trưởng của quý IV/2023, Cục Thống kê tỉnh dự báo, tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2024 trừ dầu khí khả năng đạt từ 7% đến 8,1%.

Đoàn Mạnh Dương (TTXVN)
Năm 2024, Cà Mau đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7% trở lên
Năm 2024, Cà Mau đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7% trở lên

Năm 2024, UBND tỉnh Cà Mau tập trung thực hiện cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 7% trở lên. Đặc biệt, địa phương đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện có hiệu quả về quy hoạch, kế hoạch, đề án; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; cơ cấu lại ngân sách nhà nước; đổi mới quản lý, hoạt động ngân hàng; cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN