Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, tỉnh tiếp tục chỉ đạo tập trung thực hiện Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; các chương trình, đề án, kế hoạch để cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài ra, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng lập quy hoạch xây dựng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; mời gọi đầu tư các dự án, chương trình trọng điểm, tạo điểm nhấn đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế; chủ động rà soát các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải phù hợp với quy hoạch. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến xây dựng Đề án phát triển vùng Đất Mũi; Đề án xây dựng thành phố Cà Mau thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành; triển khai Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng như: Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các nghị định hướng dẫn các luật; tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư các dự án, công trình theo quy định. Đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, rút ngắn nhất thời gian xử lý ở từng bước công việc, đảm bảo thuận lợi để thực hiện các dự án.
Mặt khác, tỉnh tiếp tục thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ; cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ và tinh giản bộ máy, biên chế theo đề án tinh giản biên chế đã được phê duyệt, phát huy vai trò dẫn dắt của vốn ngân sách nhà nước để huy động tối đa mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo chuyển biến rõ nét về hạ tầng kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu đổi mới quản lý, hoạt động ngân hàng; trong đó, phấn đấu nguồn vốn huy động năm 2024 tăng từ 7 - 9% và tổng dư nợ cho vay tăng từ 9 - 11% so với năm 2023; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng trên cơ sở tăng cường ứng - dụng, công nghệ hiện đại, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, ngân hàng điện tử, ngân hàng số, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS, đảm bảo các hoạt động thanh toán trên địa bàn ổn định, an toàn và thông suốt.
UBND tỉnh Cà Mau chủ trương thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau và các chiến lược như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cơ cấu lại sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Đặc biệt, các địa phương quan tâm thúc đẩy lĩnh vực phát triển sản xuất công nghiệp, cơ quan chức năng tỉnh theo dõi, nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để đề xuất các giải pháp hỗ trợ đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đối với mặt hàng thủy sản và phân bón.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường quản lý nhà nước đối với các dự án sản xuất công nghiệp đầu tư trong khu kinh tế, các khu công nghiệp. Cụ thể là tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư duy trì vận hành ổn định các nhà máy điện gió đã đi vào vận hành thương mại và các khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà hiện hữu; tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió đã được cấp chủ trương đầu tư góp phần tăng sản lượng điện sản xuất; thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng mới để tiêu thụ tại chỗ hoặc xuất khẩu.
Cà Mau tập trung phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm ngư, nông, lâm nghiệp gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; chuyển đổi cơ cấu các sản phẩm chế biến thủy sản xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng lên 80%, giảm mạnh tỷ lệ các sản phẩm sơ chế còn dưới 20%.
Đáng lưu ý, tỉnh Cà Mau có giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định thị trường; quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ngoài ra, tỉnh còn định hướng phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ, gồm cả thị trường xuất, nhập khẩu; xây dựng kế hoạch đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường thương mại nội địa; thực hiện đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường phù hợp với yêu cầu trong nước và cam kết quốc tế.
Đồng thời, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ mới, các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa - nghệ thuật, du lịch, khoa học, công nghệ, viễn thông, công nghệ thông tin, logistics, vận tải, phân phối, ngân hàng, tư vấn, bảo hiểm; phát triển phương tiện vận tải đường bộ theo hướng ưu tiên vận tải công cộng, thân thiện với môi trường; ưu tiên thực hiện sửa chữa, nâng cấp một số công trình chịu ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đổi mới việc quảng bá, truyền thông gắn với ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch…
Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong năm 2023, kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP theo giá so sánh) năm 2023 ước đạt 45.471 tỷ đồng, tăng 7,83% so cùng kỳ năm 2022 (kế hoạch đề ra tăng từ 7% trở lên). Cơ cấu kinh tế khu vực ngư, nông, lâm nghiệp của tỉnh chiếm tỷ trọng 31,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 31,4%; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 32,9%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm chiếm tỷ trọng 3,9%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 ước đạt 24.000 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 69,8 triệu đồng (kế hoạch đề ra là 67,5 triệu đồng).
Năm 2023, tỉnh thu hút được đã thu hút 9 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 456,74 tỷ đồng; cùng kỳ năm 2022 thu hút được 7 dự án đầu tư với số vốn trên 1.020 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 446 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký trên 144.612 tỷ đồng; trong đó, có 9 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 153,4 triệu USD.