Bà Rịa - Vũng Tàu lấp đầy 70% các khu công nghiệp

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến nay, tỉnh có 15 khu công nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 2 khu công nghiệp đang xin chủ trương đầu tư.

Trong đó, có 13 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng diện tích đất cho thuê đến nay là hơn 3.523 ha/hơn 5.739 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 61,39%/tổng số các khu công nghiệp và đạt tỷ lệ lấp đầy 70%/tổng số các khu công nghiệp đi vào hoạt động. 

Chú thích ảnh
Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Từ đầu năm đến nay, 13 khu công nghiệp đang hoạt động của Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút các dự án với tổng vốn 2,56 tỷ USD, tăng gấp 4,5 lần cùng kỳ. Như vậy, lũy kế đến nay trong các khu công nghiệp còn gần 600 dự án còn hiệu lực đầu tư, tổng vốn hơn 16,6 tỉ USD và 162 nghìn tỉ đồng.

Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 16/12/2023, tỉnh được quy hoạch thêm 7 khu công nghiệp với tổng diện tích là 6.850 ha, nâng tổng số khu công nghiệp trên toàn tỉnh lên 24 khu với tổng diện tích hơn 15.900 ha.

Theo ông Trương Tuấn Vũ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với những lợi thế sẵn có về tự nhiên, xã hội, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư tầm cỡ trên nhiều lĩnh vực; trong đó, có nhiều dự án lớn vào các khu công nghiệp. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện thêm các giải pháp thu hút đầu tư; cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư; cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; đồng hành, chủ động nắm bắt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Khu công nghiệp Sonadezi huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Đây là một trong 13 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động tại tỉnh, thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước.

Theo Quy hoạch tỉnh, định hướng Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển trục kinh tế động lực công nghiệp - cảng biển Cái Mép - Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51. Dựa trên vùng chức năng đã được xác định rõ, ngoài 2 khu công nghiệp tại Vũng Tàu (Đông Xuyên và Dầu khí Long Sơn) và Đất Đỏ (Đất Đỏ 1), toàn bộ vùng phát triển khu công nghiệp của tỉnh sẽ nằm tại Phú Mỹ và Châu Đức.

Cùng với đó, dọc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4, TP Hồ Chí Minh hình thành trục kinh tế động lực công nghiệp - logistics; phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ; hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, đô thị dịch vụ mới tại Cù Bị và Suối Nghệ (Châu Đức); khu logistics dọc Vành đai 4; các trung tâm logistics cấp tỉnh tại huyện Châu Đức.

Các khu công nghiệp trong trục động lực này thu hút đầu tư có chọn lọc các ngành công nghiệp có công nghệ cao, tiên tiến: điện - điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo; sản xuất phương tiện vận tải; dược phẩm, chế phẩm sinh học…

Tin, ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án Khu công nghiệp Đông Nam Á
Chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án Khu công nghiệp Đông Nam Á

Tại Công văn số 536/TTg-NN, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chấp thuận UBND tỉnh Long An quyết định chuyển mục đích sử dụng 219,44 ha đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện Dự án Khu công nghiệp Đông Nam Á (giai đoạn 2) trên địa bàn huyện Cần Giuộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN