Dù đối mặt nhiều khó khăn, nhưng xuất siêu của tỉnh vẫn trong nhóm đầu cả nước. Điều này là do doanh nghiệp tiếp tục duy trì, khai thác tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, chú trọng thị trường nội địa và tìm kiếm thêm thị trường mới. Ngành chức năng cũng đưa ra nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết, cơ hội từ FTA.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, hoạt động xuất, nhập khẩu dù khởi sắc, song doanh nghiệp Đồng Nai vẫn đang đối mặt những khó khăn. Hiện chỉ số tồn kho các mặt hàng như sản xuất chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; giày da và các sản phẩm liên quan vẫn ở mức cao. Ngoài ra, do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt, giảm giờ làm nên chỉ số sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh vẫn đang ở mức thấp, giảm so với trước đây.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, tháng 9 hoạt động xuất, nhập khẩu của Đồng Nai có tín hiệu tích cực, tăng so với các tháng trước. Điều này cho thấy, doanh nghiệp rất nỗ lực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp rất nhiều khó khăn. Dự báo 3 tháng cuối năm 2023, tình hình xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải thiện.
Dự ước kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 9/2023 của Đồng Nai đạt hơn 2 tỷ USD, tăng gần 1% so với tháng trước và tăng hơn 15% so với cùng kỳ; thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong tháng 9, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với tháng 8 từ 0,5% đến hơn 2,6%.
Với những mặt hàng chủ lực của tỉnh như dệt may, xơ, sợi; giày dép, những tháng trước doanh nghiệp thiếu đơn hàng, xuất khẩu sụt giảm, nhưng nay tình hình được cải thiện. Dự báo, quý IV/2023 việc xuất khẩu hàng dệt may, giày da tiếp tục khởi sắc, nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ hàng hoá dịp cuối năm tăng cao.
Do doanh nghiệp tăng cường sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu nên trong tháng 9, kim ngạch nhập khẩu ở Đồng Nai tăng so với các tháng trước, ước đạt 1,5 tỷ USD. Hàng nhập khẩu hầu hết là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất như hóa chất; dệt, may, da giày; sắt, thép các loại.