'3 bám', '4 cùng' để giữ vững trật tự, an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc

Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, với 19,9% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng và đảm bảo. Đời sống vật chất tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm, an ninh chính trị cơ bản được giữ vững.

Chú thích ảnh
Bộ đội Biên phòng Bù Đốp tuyên truyền người dân khu dân cư liền kề ở huyện Bù Đốp, Bình Phước không vi phạm pháp luật (ảnh minh họa).

Đại tá Nguyễn Phương Đằng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước cho biết, Công an thực hiện tốt tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, lôi kéo tham gia các hoạt động của các hội nhóm cực đoan, các tổ chức phản động nhằm chống Đảng, Nhà nước. Lực lượng Công an thực hiện nghiêm quy chế biên giới, quy định về xuất nhập cảnh, không qua lại biên giới thăm thân theo đường tiểu ngạch, không tham gia sinh hoạt tôn giáo trái phép... Công tác vận động được triển khai linh hoạt, đa dạng, kết hợp giữa vận động rộng rãi, vận động tập trung, vận động cá biệt với tinh thần hướng về cơ sở. Bình Phước không để xảy ra tình trạng gây chia rẽ giữa đồng bào dân tộc thiểu số này với các thành phần dân tộc khác, giữa đồng bào dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh, giữa tôn giáo này với các tôn giáo khác.

Công an các cấp luôn thực hiện phương châm "3 bám" (bám địa bàn, bám đơn vị, bám chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước), "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) để chủ động nắm tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ, giải quyết các vấn đề ngay tại cơ sở, không để lan rộng kéo dài.

Từ khi lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thành lập đi vào hoạt động, anh Điểu Luân, Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh ấp 7 (xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh) luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trên địa bàn. Anh thông tin, ở ấp 7 chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Vì vậy, Tổ bảo vệ an ninh ở đây thường xuyên trực tiếp đến từng hộ dân tuyên truyền cụ thể hơn để họ không vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự xóm làng.

Đặc biệt, tại các thôn, ấp, già làng, người có uy tín đang là “cầu nối” giúp chính quyền tuyên truyền đến bà con về các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như gìn giữ bản sắc văn hóa. Ông Điểu Khởi, già làng xã Lộc Hòa chia sẻ: Nhờ chính quyền xã, các lực lượng thường xuyên tuyên truyền, vận động giúp đồng bào thiểu số ở đây nhận thức được việc phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Những người già làng, người có uy tín thường xuyên nhắc nhở mọi người tuân thủ pháp luật, chú trọng phát triển kinh tế. Bây giờ, thanh niên đã giảm tình trạng chạy xe phóng nhanh, vượt ẩu trong đường thôn, ấp. Bà con luôn cảnh giác không để đối tượng xấu lợi dụng...

Trung tá Hoàng Lê Trung, Trưởng Công an xã Lộc Hòa cho biết, xã có hơn 45% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đây là xã biên giới của huyện Lộc Ninh, đời sống người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số vẫn gặp khó khăn. Công an xã và chính quyền địa phương đã tuyên truyền để người dân tuân thủ pháp luật, phát triển kinh tế ổn định đời sống. Đồng thời thường xuyên phối hợp với già làng, người có uy tín, các vị chức sắc để tuyền tải đến người dân thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Công an cấp xã đã tiến hành tuyên truyền trực tiếp, trên các phương tiện truyền thông, treo pano, áp phích, trang mạng xã hội… về phòng, chống tội phạm; các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm như tín dụng đen, lừa đảo, trộm cắp tài sản; vận động nhân dân tố giác tội phạm, giao nộp vũ khí vật liệu nổ… Điển hình về tội phạm ma túy, từ năm 2019 đến tháng 10/2024, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện, triệt phá 1.465 vụ với 2.380 đối tượng. Trong đó, số bị can người dân tộc thiểu số là 187 người, thu giữ hơn 80kg ma túy các loại, 17 khẩu súng cùng nhiều tang vật.

Những năm qua, việc triển khai công tác đảm bảo an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Công an tỉnh Bình Phước quan tâm, chú trọng, đặc biệt là phòng ngừa nhằm đảm bảo an ninh, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số. Công an các cấp chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền quan tâm, tranh thủ người có uy tín, chức sắc tôn giáo nhằm phát huy vai trò của họ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngay ở cấp cơ sở.

Thời gian tới, Công an tỉnh Bình Phước tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng vùng dân tộc thiểu số; tham mưu cho UBND tỉnh mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín. Đồng thời thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu, giúp người có uy tín từng bước nâng cao nhận thức chính trị pháp luật, nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định tại địa phương. Việc này nhằm góp phần phát huy vai trò trong việc vận động quần chúng nhân dân; tuyên truyền người dân thực hiện đại đoàn kết dân tộc; chủ động nắm tình hình, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số xâm hại an ninh quốc gia...

Bài và ảnh: K gửiH (TTXVN)
Tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số
Tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 22/11, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 chủ đề “Các dân tộc tỉnh Đồng Nai đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN