“Suối Trời”, “vương quốc” của chè Shan tuyết

Nằm ở độ cao 1.371 m so với mực nước biển, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có khí hậu bốn mùa se lạnh tựa như Sa Pa, Đà Lạt. Đây là xứ sở của loại chè Shan tuyết cổ thụ hơn 100 năm tuổi, trong đó có những cây trên 300 năm tuổi, được xếp vào một trong sáu cây chè thủy tổ của thế giới, rất hấp dẫn với du khách gần xa.

Lên với Suối Giàng, du khách như đắm chìm trong cảnh sắc núi non hùng vĩ của thiên nhiên tươi đẹp. Sinh sống trên mảnh đất này chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, chiếm 98%. Ngoài ra, còn các dân tộc khác như Dao, Tày, Kinh… Nhìn từ trên cao, du khách phóng tầm mắt nhìn là cánh đồng Mường Lò tươi xanh, xa xa là những dải lúa cong cong theo vạt núi, nương ngô, nương cải xanh non cùng với sương bay bảng lảng, cảm giác như đang đi trên mây.

Truyền thuyết kể rằng, đã từ lâu lắm rồi, khi nơi đây còn là vùng hoang vu, quanh năm mây mù bao phủ. Vào một buổi sáng khi mặt trời vừa nhô lên khỏi đỉnh núi, bỗng có một cô tiên từ trên trời bay xuống và gieo một loại hạt xuống đất Suối Giàng. Chẳng bao lâu, hạt nảy mầm, mọc thành cây xanh tốt. Tán cây càng lớn càng rộng, lá cây to bằng nửa bàn tay, xanh ngắt, búp cây ngậm sương trắng như tuyết. Khi ấy, có một nhóm người Mông di cư đến đây do loạn lạc, đường xa, thiếu cái ăn, thức uống, lại bị bệnh sốt rét hoành hành. Họ liền hái lá cây ăn, ăn xong thấy tỉnh táo, đun lá với nước suối uống thấy người khỏe khoắn lạ thường. Cho rằng trời đã cứu giúp, đoàn người đã quyết định ở lại đây cùng với loài cây lạ và đặt tên cho nơi này là Suối Giàng, tức “Suối của Trời”. Từ đó, chè Shan tuyết Suối Giàng trở thành nguồn nuôi dưỡng tâm hồn và cuộc sống của người dân nơi đây. Hàng năm, người Mông có tục cúng cây chè tổ để cảm tạ trời đất, cảm tạ cây chè, cầu cho nhân dân được an bình, mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa và ngày một phát triển.

Chè Shan tuyết cổ thụ, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông ở Suối Giàng.

Ông Giàng A Đằng, Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng cho biết: Suối Giàng nổi tiếng với những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi với đường kính 2-3 người ôm mới hết. Chè tuyết nơi đây phát triển tự nhiên trong điều kiện khí hậu quanh năm mát mẻ, chẳng cần phân bón mà vẫn đâm chồi nảy lộc xanh biếc. Lộc non sao lên, pha nước sôi, hương thơm ngây ngất, uống vào thấy đượm vị ngọt lâu trên đầu lưỡi. Nhiều gia đình dân tộc Mông ở đây nhờ những gốc chè này mà làm nên cơ nghiệp, cải thiện sinh hoạt trong cuộc sống. Họ coi cây chè là của đất trời ban tặng cho người Mông tại xứ sở này.

Nhờ có cây chè mà cuộc sống nhiều gia đình người Mông ở đây đã được cải thiện. Nghệ nhân sao chè số một ở Suối Giàng, bà Sổng Thị Phua cho biết: Để có được một mẻ chè Shan tuyết ngon, thì chè Shan tuyết khi pha phải có màu tự nhiên, hơi có màu vàng sánh của mật ong. Chè khi pha có vị ngọt đậm, vị ngọt đến từ từ, ngấm dần vào vị giác của người thưởng thức. Ngoài ra, khi thưởng thức chè Shan tuyết được sao bằng phương pháp thủ công truyền thống, người uống còn cảm nhận được mùi thơm của chè tựa như mùi hương cốm mới, sự nồng ấm của tình người. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo cảm giác rất lạ.

Dạo quanh các bản Giàng Cao, Bản Mới, Tập Lăng, Suối Lóp, chúng tôi như lạc vào rừng chè cổ thụ. Những cây chè lừng lững đứng giữa núi dang rộng những cành lá sum suê, tựa như đôi tay khỏe mạnh của các chàng trai người Mông. Tới đây, du khách còn được ngắm những thiếu nữ Mông trong bộ váy thổ cẩm truyền thống, sặc sỡ sắc màu của dân tộc mình mải mê hái chè trên những cây chè cổ thụ, đẹp như những nàng bướm, nàng ong đang mải mê hút mật. Trong biển sương mênh mông, bồng bềnh văng vẳng tiến khèn, tiếng đàn môi của các chàng trai, cô gái người Mông da diết gọi bạn, hòa trong gió núi là tiếng hát trong trẻo của thiếu nữ vùng sơn cước gọi bạn tình. Tất cả đã tạo nên một sự cuốn hút kỳ lạ với bất cứ ai nếu đã một lần đến nơi đây.

Giống như cộng đồng người Mông sống trên quê hương Yên Bái, người Mông Suối Giàng dựng nhà men theo các sườn đồi, trên những đỉnh núi cao. Để phù hợp với địa hình đồi núi hiểm trở nên ngôi nhà truyền thống thường thấp, mái lợp bằng gỗ pơ-mu được chẻ mỏng. Kinh tế của đồng bào chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Công việc trồng lúa nước ở trên núi cao đã tạo cho Suối Giàng những thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp uốn lượn quanh núi đồi bạt ngàn.

Ông Trần Văn Mộc, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: Để đánh thức tiềm năng du lịch Suối Giàng, ngành du lịch Yên Bái đã quy hoạch khu du lịch sinh thái Suối Giàng với diện tích 135 ha, kinh phí xây dựng khoảng 800 tỷ đồng. Trong tương lai không xa, du khách đến Suối Giàng không chỉ được thưởng thức chè Shan tuyết, khám phá nền văn hóa dân tộc Mông, mà còn được nghỉ trong các nhà nghỉ song lập. Nơi đây cũng sẽ có trung tâm thể dục thể thao, sân khấu ngoài trời, các chòi vọng cảnh, cùng hòa quyện với cảnh sắc của núi rừng, tạo nên một vùng có nhiều cảnh sắc thơ mộng.

Suối Giàng không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên, nơi đây còn là điểm đến du lịch hấp dẫn với các lễ hội dân gian truyền thống như lễ mừng cơm mới, lễ cưới truyền thống… Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian được tổ chức thường xuyên như ném pao, đẩy gậy, đua ngựa, tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu.

Bài và ảnh:
Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN