Ổn định cuộc sống đồng bào vùng biên giới

Do tập quán nên một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Nam vẫn còn cuộc sống du canh du cư. Khắc phục tình trạng này, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm vừa đảm bảo chỗ ở ổn định gắn với không gian bảo tồn bản sắc văn hóa cho đồng bào, vừa quy hoạch quỹ đất sản xuất thuận lợi, cho vay ưu đãi để đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, yên tâm với cuộc sống định canh định cư.


Thôn A Rớt thuộc xã biên giới A Nông, huyện Tây Giang tiếp giáp với huyện Kạ Lùm, tỉnh Sê Kông (Lào) là một trong những thôn giảm nghèo bền vững điển hình của tỉnh Quảng Nam. Nhiều năm qua, ngoài nguồn vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng từ Chương trình 30a của Chính phủ và các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi, hơn 145 hộ đồng bào Cơ Tu trong thôn đã tự nguyện hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để san ủi mặt bằng, dựng nhà ở, lập vườn sản xuất, hình thành khu tái định cư tập trung. Ngoài việc được cấp đất ở, đất sản xuất tại những nơi thuận lợi về giao thông, thủy lợi, người dân trong thôn còn được tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, được hỗ trợ về cây, con giống, vật nuôi để phát triển sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào nhờ đó được cải thiện.

Giao dịch tại trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam.

Gia đình chị A Lăng Thị Lem, xã biên giới A Nông, huyện Tây Giang, sau khi định cư đã được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng để chăn nuôi bò, trồng keo nguyên liệu, trồng cây cao su. Đến nay, gia đình chị đã có đàn bò hơn 10 con, trị giá gần 300 triệu đồng.

"Trước đây, khi nơi ở chưa ổn định, cuộc sống đồng bào và việc học hành của học sinh gặp nhiều khó khăn. Bây giờ cuộc sống ổn định, người trong làng không còn hộ nào phải thiếu ăn, thiếu mặc như trước, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ trồng trọt, chăn nuôi. Trẻ em được đi học ở những ngôi trường khang trang, người dân trong thôn khi ốm đau chỉ cần đến Trạm Y tế xã là được khám bệnh, cấp phát thuốc chứ không phải lặn lội về tận Trung tâm Y tế huyện như trước" - chị Lem bộc bạch.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tây Giang Vũ Định cho biết: Thực hiện chương trình cho hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, giảm nghèo bền vững, trong 10 tháng năm 2015, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tây Giang đã giải ngân 14,5 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ cho vay gần 82 tỷ đồng. Nhờ sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả nên nợ quá hạn chiếm tỷ lệ không đáng kể. Nguồn vốn vay của ngân hàng đã góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa bàn huyện Tây Giang.

Ông A Lăng Bao, Bí thư Đảng ủy xã biên giới A Nông, huyện Tây Giang, cho biết: Với sự đầu tư có trọng điểm nhiều nguồn vốn khác nhau, đến nay các hạng mục thiết yếu ở xã vùng cao biên giới A Nông gồm: Hệ thống đường điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, trường học, trạm y tế, hệ thống đường giao thông nông thôn đến từng khu dân cư, đường bê tông vào các vùng sản xuất, vùng trồng cây nguyên liệu đã được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.

Bên cạnh đó, nhờ công tác định canh định cư lồng ghép với nhiều chương trình khác nên xã A Nông đã huy động được nguồn vốn để từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, vừa tạo điều kiện cho nhiều hộ đồng bào tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi và trồng cây nguyên liệu. Đây chính là tiền đề quan trọng để đồng bào xã A Nông vươn lên xóa nghèo bền vững, góp phần giữ gìn đường biên giới hữu nghị truyền thống với nhân dân các dân tộc Lào.

Với nhiều cách làm cụ thể, phù hợp với phong tục, tập quán và trình độ canh tác, đến nay huyện Tây Giang đã hoàn thành tái định cư tập trung ở 61/70 thôn cho hàng nghìn hộ đồng bào Cơ Tu. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh: Thực tế công tác định canh định cư gắn với giảm nghèo bền vững ở huyện Tây Giang cho thấy, khi đồng bào ổn định cuộc sống, được hỗ trợ phát triển sản xuất thì tình trạng du canh du cư sẽ không còn và nạn phá rừng để sản xuất, nạn khai thác vàng trái phép sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất. Vì vậy trong thời gian tới, công tác quy hoạch bố trí dân cư sẽ tiếp tục gắn với quy hoạch vùng sản xuất, có khu sinh hoạt văn hóa gắn với các công trình hạ tầng như điện, nước, trường học và các công trình phúc lợi cho người dân.

Nỗ lực tái định canh định cư gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các điều kiện phát triển sản xuất nhằm giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới huyện Tây Giang đã góp phần xây dựng và giữ gìn đường biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào. Đây là mô hình được tỉnh Quảng Nam tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.
Đoàn Hữu Trung
Bản tái định cư phập phồng lo sạt lở
Bản tái định cư phập phồng lo sạt lở

Đã qua hai mùa mưa kể từ khi được di chuyển đến nơi ở mới, hiện hơn chục hộ đồng bào dân tộc Cống ở bản tái định cư Nậm Khao, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè (Lai Châu) vẫn sống trong sự bất an.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN