Lễ cầu mưa của người M’nông

Lễ cúng mưa đầu mùa là một trong những phong tục tốt đẹp của đồng bào người M’nông ở Đắk Lắk, để cầu thần mưa ban cho mưa thuận gió hòa, ban cho đồng bào M'nông nhiều điều tốt đẹp. Lễ hội thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở, cây cối nảy lộc đâm chồi, con người khỏe mạnh và ước mong xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp, ấm no.

Khi những cơn mưa phùn, cơn mưa không có sấm chớp bắt đầu xuất hiện, đồng bào M’nông không muốn cho các Giàng nổi giận, gây sấm chớp có thể mang lại nhiều điềm gở cho buôn làng, vì vậy đồng bào tổ chức lễ cúng Giàng, cầu xin Giàng phù hộ cho những điều tốt đẹp, đồng thời để giải hạn xấu trong năm.

Già làng thực hiện nghi lễ cúng trong nhà.

Nghi thức cúng mưa đầu mùa được bắt đầu bằng lễ cúng trong nhà. Các lễ vật chuẩn bị cho lễ cúng trong nhà gồm: Một con gà trống còn sống, một bát cơm, một bát xôi, hai bát rượu, hai bát thịt lợn (heo), một đầu lợn, lông gà, một cây nêu bằng lồ ô cao khoảng 2 m đặt giữa nhà, 2 ché rượu cần đặt hai bên...

Thầy cúng thực hiện nghi lễ ngoài trời.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, thầy cúng (thường là những người cao tuổi) mặc trang phục dân tộc, trang nghiêm tiến hành nghi lễ cúng mưa đầu mùa. Thầy cúng cắt tiết gà từ hai bên khóe mỏ con gà trống còn sống, lấy tiết hòa với rượu, và khấn rằng: “Ơ Giàng, hôm nay tôi mời gọi các Giàng cùng về ăn thịt heo, cùng uống rượu trong ché, cùng chứng kiến và ban phúc cho người dân trong buôn. Xin Giàng ban cho con cháu mạnh khỏe, ban cho cháo đựng trong bầu luôn đầy ắp, cơm trong nồi đừng để bị thiu. Quanh năm Giàng cho cái tốt, điều lành; không cho cái đói cái khát, mong cho lúa đầy kho, ngô đầy bồ, đầy nhà…”. Vừa khấn, thầy cúng vừa lấy chiếc lông gà quết vào chén rượu rồi bôi lên các vật dụng trong nhà như: cột nhà, rổ, rựa, cuốc, cửa trước, cửa sau, cầu thang... để cầu xin thần linh giữ sức khỏe cho con người, cho căn nhà được êm ấm, tránh mọi rủi ro, tai nạn trong lao động sản xuất.

Chung vui bên chén rượu cần.

Sau nghi lễ cúng trong nhà, mọi người đi theo thầy cúng ra ngoài sân, nơi có cột nêu để cúng ngoài trời. Đội chiêng vừa đi vòng quanh cây nêu, vừa đánh bài chiêng mời gọi Giàng và các thần linh về dự, chứng kiến lễ cúng mưa đầu mùa. Thầy cúng vừa dùng lông gà quết vào chén rượu hòa cùng tiết gà bôi lên thân cây nêu, vừa đọc bài khấn các Giàng xin được khai hội “hái lộc”. 

Trò chơi leo cây nêu hái lộc thu hút đông đảo người dân tham gia.

Đội chiêng đánh bài “vào hội”, đội múa nữ múa những điệu múa truyền thống của người M’nông… Trong tiếng trống thúc giục, tiếng reo hò cổ vũ của mọi người, thanh niên trai tráng, khỏe mạnh tranh nhau leo lên cây nêu đã được bôi mỡ, để lấy “lộc” trong chiếc gùi nhỏ. Người nào leo được lên cây nêu và lấy được lộc từ chiếc gùi nhỏ, sẽ lấy cơm trong gùi rải khắp xung quanh cầu mong những con gà, con heo,… sẽ có cái để ăn, sẽ sinh sôi ngày càng nhiều, buôn làng luôn sung túc.

Mở hội.

Phần cuối của lễ cầu mưa đầu mùa, mọi người cùng theo thầy cúng để tiếp tục nghi thức cúng trong nhà, xin các thần ban cho những cơn mưa hiền hòa, hoa màu bội thu, cây xanh nảy lộc đâm chồi, buôn làng ngày càng giàu đẹp.

Kết thúc các nghi lễ, đội chiêng và tốp múa cùng nhau hòa tấu những bản nhạc tươi vui, mọi người cùng uống rượu cần giao lưu, ca hát những làn điệu dân ca, múa những điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc M’nông mừng đón những điều tốt đẹp, may mắn trong cuộc sống.
Bài và ảnh: Phương Hà
Lễ cúng hồn lúa của người Dao đỏ
Lễ cúng hồn lúa của người Dao đỏ

Một phần hồn cây lúa đi sẽ gọi 10 phần hồn cây lúa về, một hạt lúa đi sẽ gọi 10 hạt lúa về, 10 hạt lúa đi gọi 100 hạt lúa về, 100 hạt lúa gọi 1.000 hạt lúa để sinh sôi nảy nở thành bồ thóc, bồ thóc sinh sôi thành kho thóc cho con người con vật ăn quanh năm không hết…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN