Đổi thay trên mảnh đất cách mạng Sa Dung

Xã Sa Dung là xã vùng cao nằm ở phía Bắc của huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, cách trung tâm huyện khoảng 40 km. Sa Dung có di tích hang Mường Tỉnh, căn cứ kháng chiến quan trọng của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Vùng quê Cách mạng Sa Dung giờ đây đã đổi thay từng ngày, vươn lên xây dựng nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Người dân Sa Dung phát triển chăn nuôi gia súc.

Giai đoạn 1945 - 1954, tại di tích hang Mường Tỉnh đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nơi đây từng được Quân đội ta chọn là căn cứ kháng chiến để "bẻ gãy" nhiều cuộc hành quân càn quét của thực dân Pháp. Cũng tại đây, năm 1950, Ban cán sự Đảng Lai Châu (cũ) đã được thành lập và trở thành một cơ sở Cách mạng để phát triển phong trào trên địa bàn xã Sa Dung cũng như trên toàn huyện Điện Biên Đông. Ngày 14/4/2011, di tích hang Mường Tỉnh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tự hào là vùng căn cứ Cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, những năm qua người dân Sa Dung đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Bộ mặt nông thôn nơi đây đổi thay đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên. Những con đường ở trung tâm xã và ở các bản của xã Sa Dung hầu hết đã được bê tông hóa, ô tô có thể vào tận bản. Những bản làng người dân tộc Mông nằm rải rác bên các sườn đồi; hầu như trên mái hiên nhà nào cũng treo hàng chục, hàng trăm túm bắp ngô vàng đậm. Dọc con đường vào xã, những thửa ruộng bậc thang vàng ươm phủ kín các sườn đồi…

Bản Nà Sản A, xã Sa Dung có 61 hộ với 372 khẩu, hầu hết là người dân tộc Mông; hầu hết các ngôi nhà trong bản đều đã được kiên cố, khang trang. Theo anh Lầu A Dìa, Trưởng bản Nà Sản A, xã Sa Dung, trước đây cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cả bản đều đã có điện lưới quốc gia, cuộc sống được cải thiện đáng kể. Nhiều gia đình đã phát triển sản xuất kinh doanh thương mại cho thu nhập cao. Cuộc sống của đồng bào nay đã thay đổi rõ rệt, nhiều gia đình phát triển chăn nuôi trâu bò, dê; xây dựng được nhà mới khang trang; hầu hết trẻ em trong bản đều được đến trường đúng độ tuổi, các dịch vụ y tế cũng rất thuận lợi.

Chú thích ảnh
Giảng dạy bằng máy chiếu tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sa Dung.

Trong phong trào phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới ở Sa Dung, thanh niên là những người tiên phong với sức trẻ, kiến thức để thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế; xây dựng đường dân sinh và các công trình khác; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân trong các thôn bản áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi cho năng suất cao. Anh Sùng A Thái, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Sa Dung cho biết: Để phát huy sức trẻ, Đoàn Thanh niên xã đã tích cực tuyên truyền vận động đoàn viên thanh niên trong xã tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; thường xuyên tổ chức cho đoàn viên thanh niên giao lưu học hỏi kinh nghiệm trên địa bàn xã. Hiện nay, nhiều đoàn viên thanh niên trong xã đã có những mô hình chăn nuôi trâu bò, trồng cỏ voi, nuôi cá mang lại nguồn thu nhập cao; từ đó, hướng dẫn các hộ ở địa phương làm theo để phát triển kinh tế.

Từ quyết tâm phát triển nông thôn, Đảng bộ, chính quyền xã Sa Dung đã tập trung phát triển kinh tế, đưa đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Hiện nay, người dân trong xã chủ yếu của xã vẫn là trồng lúa nương, ngô, lạc, sắn…với gần 1.300 ha. Người dân  trong xã rất tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa cho năng suất cao. Ngoài ra, xã còn tăng cường phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; hiện tổng đàn gia súc (trâu, bò, lợn, dê) toàn xã đạt hơn 7.000 con. Bên cạnh đó, xã luôn quan tâm công tác quản lý và bảo vệ rừng, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng. Trong 9 tháng năm 2018, xã đã trồng hơn 20.000 cây phân tán, giao khoán rừng gần 2.000 ha. Hiện nay, Sa Dung đã có bưu điện văn hóa xã, internet, đài phát thanh, công nghệ thông tin…

Cùng với việc phát triển kinh tế, chính quyền xã chú trọng chăm lo đời sống nhân dân, nâng cao trình độ dân trí. Toàn xã hiện có 5 trường học  các cấp với gần 2.000 học sinh, các nhà trường đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác dạy và học; vận động học sinh đến lớp đầy đủ tránh tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Đặc biệt, các trường đều  tổ chức lồng ghép giáo dục truyền thống quê hương cách mạng cho các em học sinh.

Chú thích ảnh
Bản làng trù phú ở Sa Dung.

Ông Lầu Chứ Sính, Bí thư Đảng ủy xã Sa Dung cho biết: Xã hiện có 19 thôn, bản, tổng số hơn 1.100 hộ dân với hơn 6.000 nhân khẩu sinh sống; trong đó người Mông chiếm gần 80 %, còn lại là đồng bào dân tộc Thái. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 65% năm 2016 xuống còn 52% năm 2018. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Hầu hết số hộ trong xã đã mua sắm được xe máy và tiếp cận được các dịch vụ y tế, truyền thanh, truyền hình…

Bí thư Đảng ủy xã Sa Dung cho biết, những năm gần đây, đời sống của nhân dân trên địa bàn được nâng lên rõ rệt. Công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất được chú trọng thực hiện. Bên cạnh đó, các chương trình 135, 30a về hỗ trợ cho hộ nghèo được thực hiện giúp đời sống nhân dân có nhiều thay đổi. Hiện nay, Sa Dung đang tiến hành xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong xã rất đồng lòng, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức nhằm xây dựng địa phương giàu mạnh, xứng đáng là mảnh đất giàu truyền thống Cách mạng.

Bài và ảnh: Xuân Tư (TTXVN)
Huyện biên giới Tây Giang đổi thay từng ngày 
Huyện biên giới Tây Giang đổi thay từng ngày 

Sau 15 năm tái lập, huyện miền núi biên giới Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) đã có nhiều đổi thay, đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng lên, bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, góp phần tạo lên phên dậu vững chắc của Tổ quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN