Đổi thay trên mảnh đất Mường Pồn lịch sử

Nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 20km về phía Tây Bắc, xã biên giới Mường Pồn (huyện Điện Biên) là mảnh đất lịch sử, ghi dấu ấn sâu đậm về tinh thần chiến đấu kiên cường của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Làng bản xã Mường Pồn 1.

Nơi đây, anh hùng Bế Văn Đàn đã lấy thân mình làm giá súng để đồng đội tiêu diệt kẻ thù. Mảnh đất ấy, sau hơn 6 thập kỷ đã đi lên từ vết thương chiến tranh và đổi thay từng ngày.

Đến Mường Pồn hôm nay sẽ bắt gặp khung cảnh bản làng ấm no, trù phú. Những cánh đồng lúa xanh ngắt đang độ lên đòng, những nếp nhà sàn khang trang nằm hai bên đường, dưới chân đèo Cò Chạy hay bên những sườn đồi thấp thoáng. Trong những ngôi nhà sàn được tô điểm bằng màu vàng đậm của hàng trăm túm bắp ngô người dân thu hoạch về treo khắp lan can, góc bếp và trần nhà. Những quả đồi được phủ bởi rừng cây cao su...

Giữa cánh đồng lúa xanh ngắt phía sau bản Mường Pồn 1 là bia tưởng niệm anh hùng Bế Văn Đàn. Người dân Mường Pồn gọi anh hùng Bế Văn Đàn là vị thần hộ mệnh cho cả bản làng, mang lại cho người dân cuộc sống yên bình, ấm no như ngày hôm nay.

Đã chiều muộn, nhưng bà Vì Thị Cáu, 73 tuổi, bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn vẫn đang miệt mài bên chiếc máy tách hạt ngô. Năm nay được mùa nên những túm ngô được bà Cáu treo khắp ngôi nhà. Những đứa trẻ vừa tan học cũng vội vàng cất sách vở quây quần bên bếp lửa ngóng nồi xôi đang đồ thơm phức và giúp bà nhặt những hạt ngô vàng ươm, căng mẩy còn vương vãi ra ngoài.

Đã hơn 70 năm bà Cáu chứng kiến cuộc sống đổi thay từng ngày nơi mảnh đất một thời lửa đạn mà thuở ấy bà vẫn còn là một đứa trẻ. Nhìn nụ cười trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của bà cũng phần nào hiểu được cuộc sống bản làng giờ đây thật bình yên, no ấm. Bà Cáu cho biết: Trước đây cuộc sống của người dân nơi đây còn đói, còn khổ lắm. Giờ đời sống sung túc hơn nhiều, không phải lo nghĩ đến cái ăn, cái mặc, thuốc thang cũng đầy đủ. Con cháu ai ai cũng được học hành nên người.

Đường được trải nhựa tại xã Mường Pồn.

Bản Mường Pồn 1 có 129 hộ với hơn 615 nhân khẩu, 100% là dân tộc Thái; hầu hết các ngôi nhà đều đã được ngói hóa kiên cố, khang trang. Phó bản Lò Văn Tiến cho biết: Cuộc sống của người dân bản Mường Pồn 1 chủ yếu phát triển kinh tế từ trồng lúa, trồng ngô và nuôi trồng thủy sản. Người dân trong bản luôn có ý thức tích cực lao động, cải thiện đời sống nên cuộc sống thay đổi từng ngày. 100% các cháu trong bản đi học đầy đủ, các dịch vụ y tế, điện lưới cũng rất thuận lợi cho bà con.

Từ quyết tâm xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Mường Pồn đã tập trung phát triển kinh tế, đưa đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt trong năm 2016 đạt gần 2.500 tấn; trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 1.300 tấn. Bên cạnh đó, xã cũng hướng dẫn nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, thủy sản đạt kết quả cao.

Tổng đàn gia súc (trâu, bò, lợn) năm 2016 hơn 5.400 con; diện tích nuôi trồng thủy sản gần 40 ha, năng suất ước đạt 6 tạ/ha. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có hơn 550 ha cây cao su được người dân góp đất trông, chăm sóc, bảo vệ, hiện một số diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch.

Song song với việc phát triển kinh tế, với đặc thù là xã biên giới giáp với nước bạn Lào, công tác an ninh – quốc phòng của xã luôn được đảm bảo giữ vững. Chính quyền xã chú trọng chăm lo đời sống nhân dân, nâng cao trình độ dân trí.


Hiện nay, toàn xã có 5 trường học, trong đó có trường mầm non và trường tiểu học trung tâm đạt chuẩn quốc gia, kết quả thi chuyển lớp, chuyển cấp của các trường đều đạt từ 95 - 98%. Hầu hết học sinh đến trường, lớp đúng độ tuổi, tình trạng thất học, bỏ học hầu như đã không còn. Đặc biệt, ngoài việc chăm lo giáo dục cho các em học sinh, các trường đều lồng ghép giáo dục tinh thần cách mạng cho các em với tấm gương người anh hùng Bế Văn Đàn.

Giờ học tại Trường THCS Mường Pồn.

Thầy giáo Bùi Hữu Vương, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mường Pồn (xã Mường Pồn) cho biết: Nhà trường rất chú trọng đến việc giáo dục tinh thần cách mạng, yêu quên hương đất nước của các em. Cụ thể bằng việc thông qua các chương trình, bài học, thông qua những chủ đề tích hợp, rồi các hoạt động ngoại khóa thắp hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Từ đó, giúp các em có ý chí phấn đấu vươn lên, tinh thần vượt khó để giúp các em có kết quả học tập ngày càng tốt hơn và lớn lên là những con người có ích cho đất nước.

Ông Lù Văn Mấng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Pồn cho biết: Xã Mường Pồn hiện có 12 thôn, bản, tổng số hơn 1.000 hộ dân với hơn 4.800 nhân khẩu sinh sống. Quốc lộ 12 đi qua xã Mường Pồn nên thuận tiện trong việc thông thương, giao lưu buôn bán. Hiện nay, các thôn, bản trong xã đều có đường liên thôn, liên bản thông suốt.

Theo Chủ tịch UBND xã Mường Pồn, thay đổi lớn nhất chính là việc người dân trên địa bàn đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất phát triển kinh tế. Hiện xã đang xây dựng nội quy để phát triển kinh tế ổn định và phấn đấu xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống cho và con nhân dân. Mục tiêu trong năm 2017 của xã là bình quân đầu người đạt 433kg sản lượng thương thực/người/năm; tổng thu ngân sách ước thực hiện hơn 5 tỷ đồng; thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Bài và ảnh: Xuân Tư (TTXVN)
Người cựu chiến binh tận tụy, góp sức xây dựng nông thôn mới
Người cựu chiến binh tận tụy, góp sức xây dựng nông thôn mới

Trở về từ chiến trường, mang trong người chất độc da cam song ông Trần Đình Hoàn, ở Tiểu khu Quyết Thắng, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) đã vượt lên khó khăn, được người dân yêu mến và tin tưởng bầu là Tiểu khu trưởng liên tục suốt 20 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN