Một cơ sở sản xuất ảnh hưởng tới 20 hộ dân
Ngày 21/3 vừa qua, tập thể 20 hộ dân thuộc Tổ 90, phường Hòa Xuân đã có đơn thư phản ánh gửi các cấp Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, quận Cẩm Lệ và phường Hòa Xuân. Nội dung đơn thư phản ánh nhà xưởng của công ty Thiện Sự Kiện (lô đất 322-324 đường Nguyễn Mậu Tài, phường Hòa Xuân) đã chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để hàn, cắt sắt thép, gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường. Công ty cũng cho xe tải trọng lớn ra vào khu dân cư để vận chuyển, bốc xếp bất chấp thời gian ngày hay đêm. Đồng thời, công ty này còn lấn chiếm vỉa hè làm bãi chứa vật liệu sắt thép, vứt đinh ốc xuống đường gây mất an toàn giao thông, sử dụng giàn âm thanh công suất lớn gây ảnh hưởng đến thời gian nghỉ của người dân.
Trong đơn thư, tập thể 20 hộ dân kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra giấy phép xây dựng tạm của chủ cơ sở này, nếu đã hết hạn thì yêu cầu tháo dỡ theo đúng quy hoạch đô thị đã được duyệt; đồng thời khẩn trương di dời cơ sở sản xuất, kho bãi này ra khỏi khu dân cư.
Ngày 29/3, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có phiếu chuyển đơn kiến nghị, phản ánh số 40/HĐND-ĐT gửi UBND quận Cẩm Lệ và các hộ dân Tổ 90. Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố, Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng chuyển đơn của các hộ dân Tổ 90 phường Hòa Xuân đến Ủy ban Nhân dân quận Cẩm Lệ để kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền; trả lời đơn công dân và thông báo kết quả giải quyết cho Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố trước ngày 25/4. Nhưng đến hôm nay 28/4, các hộ dân này cho biết đơn phản ánh trên vẫn chưa được cơ quan chức năng nào trả lời.
Theo bà Hồ Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hòa Xuân, sau khi nhận được đơn thư phản ánh của người dân, ngày 20/4, phường đã lập đoàn kiểm tra tới làm việc với công ty Thiện Sự Kiện. Phường đã tuyên truyền các quy định của pháp luật và yêu cầu đại diện công ty cam kết khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, không lấn chiếm vỉa hè, không để ảnh hưởng tới sinh hoạt của các hộ dân lân cận. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện công ty không xuất trình được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng, đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty sớm bổ sung.
Bà Hồ Thị Cẩm Nhung khẳng định nếu trong thời gian tới công ty này không chấp hành nghiêm các cam kết thì Ủy ban Nhân dân phường sẽ có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Theo ghi nhận của phóng viên, đến ngày 28/4, công ty Thiện Sự Kiện vẫn ngang nhiên lấn chiếm toàn bộ phần vỉa hè xung quanh nhà xưởng để tập kết sắt thép.
Sớm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm
Tại phường Hòa Xuân còn có nhiều cơ sở gia công cơ khí, đồ gỗ chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi sản xuất, kinh doanh, gây mất vệ sinh môi trường, mất an ninh trật tự. Trong số đó có nhiều cơ sở đã bị người dân phản ánh như Công ty quảng cáo Hoàng Khang (số 86 đường Bùi Trang Chước), xưởng cơ khí 153 Trần Kim Xuyến, cơ sở sản xuất gỗ 384 Bùi Trang Chước, xưởng cơ khí 142 Lê Sỹ...
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hòa Xuân Hồ Thị Cẩm Nhung cho biết, trên địa bàn phường có khoảng 200 cơ sở sản xuất có nguy cơ gây mất ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự. Hầu hết trong số này là các cơ sở hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ, xen lẫn trong khu dân cư. Phường đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản và buộc các chủ cơ sở có biện pháp khắc phục. Đối với những cơ sở cố tình vi phạm nhiều lần sẽ buộc dừng hoạt động. Về lâu dài, phường sẽ triển khai kế hoạch di dời các cơ sở này ra khỏi khu dân cư, tập trung về sản xuất tại Cụm công nghiệp Cẩm Lệ (phường Hòa Thọ Tây, quận Cậm Lệ).
Theo ông Võ Linh Thể, Trưởng phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ, không riêng tại phường Hòa Xuân mà các phường khác cũng tồn tại nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn trong khu dân cư. Theo thống kê từ trước dịch COVID-19, toàn quận có trên 370 cơ sở có khả năng gây ô nhiễm, quận đã có kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất này về các cụm, khu công nghiệp đã được quy hoạch.
Ông Võ Linh Thể cho biết, dự kiến đến cuối năm 2022, Cụm công nghiệp Cẩm Lệ sẽ hoàn thiện hạ tầng và đưa vào sử dụng. Đây là cụm công nghiệp có diện tích hơn 29 ha, có kinh phí đầu tư hơn 250 tỷ từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Sau khi cụm công nghiệp này đi vào hoạt động sẽ có quỹ đất để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong các khu dân cư hiện nay. Đối với những cơ sở gây ô nhiễm và không chịu di dời ra khỏi khu dân cư thì quận sẽ áp dụng biện pháp buộc dừng sản xuất.