Sau hơn 1 năm thí điểm, mô hình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp tinh gọn bộ máy, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, một số khó khăn, vướng mắc cũng phát sinh, cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện hai bài viết nhìn lại một năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng nêu nhưng ưu, nhược điểm trong quá trình triển khai và kiến nghị, đề xuất của địa phương để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Bài 1: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định một trong ba nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của cả nhiệm kỳ là: triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng đã triển khai cụ thể đến từng sở, ngành, địa phương, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tốt, nhân dân đồng tình, ủng hộ.
* Quyết liệt, đồng bộ trong triển khai
Thành phố Đà Nẵng đã khẩn trương sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy và công tác cán bộ theo mô hình chính quyền đô thị. Sở Nội vụ hướng dẫn, thẩm định việc chuyển 631 cán bộ, công chức phường thành công chức thuộc biên chế UBND quận. Khảo sát cho thấy, trên 89% cán bộ, công chức đánh giá việc đưa công chức phường về biên chế quận là hợp lý và thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cho biết, các cơ chế, chính sách mới đã tạo cơ sở cho việc chuẩn hóa đội ngũ công chức phường theo hướng chuyên nghiệp, tạo sự chủ động, linh hoạt, đơn giản trong công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển giữa cán bộ quận - phường và ngược lại.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Đề án về phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đưa ra nguyên tắc phân cấp và nội dung phân cấp trên 5 lĩnh vực trọng tâm: tổ chức bộ máy, nhân sự; quản lý đầu tư; quản lý đô thị; quản lý tài nguyên - môi trường; quản lý ngân sách. Đề án đã ủy quyền 51 nhiệm vụ của UBND thành phố và 21 nhiệm vụ của Chủ tịch UBND thành phố cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện…
Từ tháng 7/2021, thành phố không tổ chức HĐND cấp quận, cấp phường. Cán bộ chuyên trách HĐND các cấp này đã được bố trí công tác mới phù hợp với năng lực, trình độ hoặc giải quyết tinh giản biên chế, nghỉ hưu thôi việc theo nguyện vọng. Cấp quận đã sắp xếp lại 18 trường hợp và cho một trường hợp nghỉ hưu theo quy định. Cấp phường đã sắp xếp, bố trí công tác hợp lý cho 45 trường hợp là Phó Chủ tịch HĐND phường.
Vì không tổ chức HĐND cấp quận, phường, HĐND thành phố Đà Nẵng đã thành lập các Tổ đại biểu HĐND theo các quận để triển khai hoạt động, thực hiện công tác giám sát theo quy định. Khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, HĐND thành phố đã tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, tăng cơ cấu thường trực, tăng cơ cấu các Ban và tăng thêm 6 biên chế. Thường trực HĐND thành phố, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố không ngừng đổi mới phương thức hoạt động theo hướng mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phù hợp với mô hình chính quyền đô thị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cùng các đoàn thể chính trị - xã hội đã tăng cường vai trò giám sát, phát huy tính dân chủ khi không còn HĐND cấp quận, phường.
Nhiều cử tri đánh giá việc bỏ HĐND cấp quận, phường giúp tinh gọn bộ máy nhưng không ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân. Ông Nguyễn Nam Tuấn (cử tri phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho rằng, lợi ích rõ ràng nhất của việc giảm HĐND cấp quận, phường là tiết kiệm chi phí, ngân sách. UBND cùng cấp sẽ quyết định công việc nhanh hơn, bớt thủ tục, giấy tờ. Quyền dân chủ vẫn được đảm bảo qua hoạt động đối thoại của nhân dân với UBND các cấp, tiếp xúc cử tri với HĐND thành phố, nêu ý kiến với Mặt trận, các đoàn thể…
* Chính quyền tinh gọn, người dân được hưởng lợi
Kết quả khảo sát độc lập của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng tháng 5/2022 cho thấy, có 84,9% cán bộ, công chức, viên chức cấp thành phố, 64,9% cấp quận, 71,9% cấp phường và 80,1% người dân thành phố đồng thuận với chủ trương thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Thực hiện thí điểm mô hình này, tại UBND các phường, việc ký chứng thực đã được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch, giúp giảm bớt thời gian chờ đợi của nhân dân.
Thường xuyên tới UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) để làm thủ tục hành chính, chứng thực giấy tờ cho bản thân và gia đình, ông Trương Văn Tiến nhận định, công tác chứng thực được thực hiện nhanh gọn, hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm thời gian. Việc công chứng giấy tờ, sao y bản chính được giao quyền cho nhân viên Tư pháp - Hộ tịch phường ký là hợp lý, không cần chờ lãnh đạo ký như trước đây. Dân số mỗi ngày một đông, nhu cầu công chứng nhiều nên việc rút gọn quy trình, thủ tục là rất cần thiết.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh Lê Thành Quyết chia sẻ, Hòa Minh là một trong những phường đông dân nhất thành phố, với khoảng 70.000 người, khối lượng công việc rất lớn. Trước đây, mỗi ngày, lãnh đạo phường phải dành nhiều thời gian để ký hàng trăm giấy tờ chứng thực. Giờ đây, công tác này được ủy quyền cho hai công chức thuộc bộ phận một cửa. Việc ủy quyền giúp tiết kiệm thời gian cho lãnh đạo phường để giải quyết các vấn đề quan trọng khác, đồng thời rút ngắn thời gian chờ đợi của nhân dân.
Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Nguyễn Hà Bắc khẳng định, thí điểm mô hình chính quyền đô thị giúp bộ máy hành chính được tinh gọn, hiệu quả, tiết kiệm ngân sách, khắc phục sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn. Đồng thời hiệu lực, tính năng động trong hoạt động điều hành của chính quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu UBND quận, phường được nâng cao, góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, phục vụ người dân tốt hơn. Với đặc thù có nhiều phường đông dân, công nhân, sinh viên rất đông, nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của công dân lớn nên việc ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch ký chứng thực giúp giải quyết nhanh chóng, kịp thời hồ sơ của công dân.Bên cạnh đó, những công việc UBND thành phố ủy quyền cho UBND quận giúp các địa phương chủ động thực hiện các dự án dân sinh phục vụ người dân nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu, mong muốn của bà con kịp thời hơn.
Bài cuối: Kiến nghị, giải pháp hoàn thiện mô hình