Từ ngày mai (1/7/2201), TP Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây. Để triển khai hiệu quả công việc này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành kế hoạch về thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội.
Sau hơn 30 năm đổi mới, TP Hà Nội hiện đang có tốc độ đô thị hóa rất cao. Quy mô đô thị của thành phố Hà Nội ngày càng mở rộng cùng với tính thống nhất, liên thông, tạo thành những mạng lưới, hệ thống đồng bộ, xuyên suốt địa bàn, không thể chia cắt theo địa giới hành chính, đòi hỏi TP phố Hà Nội phải có những đặc trưng phù hợp với tính chất của đô thị để bảo đảm sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Ngay sau khi Bộ Chính trị có Kết luận số 22-KL/TW ngày 7/11/2017 “đồng ý để thành phố Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”, thành phố Hà Nội đã bắt tay xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị để báo cáo Trung ương xem xét cho phép triển khai.
Ngày 19/4/2019, Bộ Chính trị đã họp và thông qua Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019 về “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”. Ngày 27/11/2019, tại kỳ họp thứ VIII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Ngày 29/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97.
Đây là những cơ sở để từ ngày 1/7 tới, thành phố Hà Nội chính thức triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây theo Nghị quyết 97 của Quốc hội.
Việc triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị thật sự là một bước chuyển biến mới, bước đầu để triển khai mô hình chính quyền phù hợp với tính chất của đô thị, tạo đà cho Thủ đô tăng tốc phát triển trong tương lai.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, từ ngày 1/7/2021, UBND các phường sẽ hoạt động theo mô hình chính quyền đô thị, đây là mô hình rất mới được thí điểm tổ chức tại các quận, thị xã thuộc thành phố Hà Nội. Theo đó, UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Nghị quyết 97 của Quốc hội, Nghị định 32 của Chính phủ và phân cấp ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND Thành phố và Chủ tịch UBND quận. Những nội dung đổi mới trong cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức phường theo mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp Quận và các phường đổi mới, tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả, sự đồng bộ thông suốt trong quản lý, điều hành, tính đến giải pháp thay thế để đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân khi không tổ chức HĐND phường và nâng cao tính năng động, chủ động của địa phương.
Liên quan tới việc tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, có nhiều quy định mới, đó là biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng; Cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: Chủ tịch phường; Phó Chủ tịch phường; Trưởng Công an phường; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường; các công chức khác: Văn phòng - Thống kê; Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường; Tài chính - Kế toán; Tư pháp - Hộ tịch; Văn hóa - Xã hội. UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Trong cơ cấu tổ chức chính quyền đô thị, Chủ tịch phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường theo quy chế làm việc của UBND phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật. Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người.
Đặc biệt, Chủ tịch phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, 12 quận và thị xã Sơn Tây cũng không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường.