Theo đó, Sở đã phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại 94 cơ sở lưu trú du lịch, 25 doanh nghiệp lữ hành và 12 khu điểm du lịch. Đoàn kiểm tra đã phát hiện 7 cơ sở vi phạm về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong hoạt động kinh doanh lưu trú như: chưa thực hiện cam kết phòng, chống dịch, chưa đánh giá an toàn COVID-19 theo hướng dẫn của Tổng cục Du lịch; chưa thực hiện khai báo y tế/lưu trữ tờ khai y tế của khách lưu trú...
Thanh tra Sở đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 5 khách sạn với tổng số tiền 55 triệu đồng; đồng thời, chấn chỉnh, nhắc nhở các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Sau hơn 1 năm chống chọi với dịch COVID-19, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Đà Nẵng đang cố gắng cầm cự để tồn tại trước những khó khăn do dịch gây ra. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết, Hiệp hội đã đề xuất và được chính quyền thành phố Đà Nẵng đồng ý chủ trương hỗ trợ người lao động ngành du lịch được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Mỗi lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng trong thời gian từ 3 đến 5 năm, mục tiêu nhằm giúp người lao động duy trì cuộc sống và trở lại làm việc khi thị trường phục hồi; từ đó các lao động sẽ có thu nhập để trả tiền vay và hy vọng người lao động sẽ tiếp cận được nguồn vay này trong tháng 6 năm nay. Hiện Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện chủ trương này.
Theo ông Cao Trí Dũng, thành phố Đà Nẵng có khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp du lịch hoạt động, hiện đã đóng cửa hơn 90%. Riêng Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có 1.000 doanh nghiệp hội viên, có đến gần 10% đã giải thể, số còn lại đóng cửa. Người lao động ngành du lịch nghỉ việc nên gặp nhiều khó khăn.