Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường chia sẻ, thành phố được xác định là hạt nhân tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam. Trong những năm qua thành phố đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, thành phố tập trung phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực. Cơ cấu kinh tế của thành phố hướng đến dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của thành phố là thủy sản, dệt may, da giày, cơ khí, vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ.
"Tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm cho thành phố nhằm hướng đến năm 2050, xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế; là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á", Phó Chủ tịch Trần Chí Cường thông tin.
Hiện nay, Đà Nẵng có quan hệ hợp tác với 48 địa phương của 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thành phố vinh dự được nhận giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam và nhiều giải thưởng khác.
Phó Chủ tịch Trần Chí Cường cho biết, thành phố Đà Nẵng và Thụy Điển có mối quan hệ hữu nghị trong nhiều năm qua, một số đoàn cấp cao của Thụy Điển đã đến thăm Đà Nẵng và chính quyền thành phố cũng đã có các hoạt động thăm và làm việc tại Thụy Điển.
Năm 2024 là năm kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển, ông Trần Chí Cường mong muốn Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam và các đối tác Thụy Điển phối hợp tổ chức các hoạt động tăng cường hợp tác, giao lưu văn hóa nghệ thuật, tổ chức các sự kiện quốc tế tại thành phố Đà Nẵng nhằm tăng cường sự hiểu biết, xúc tiến hiệu quả các chương trình hợp tác giữa hai bên.
Trao đổi tại buổi tiếp, ông Andreas Carlson, Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Nhà ở Thụy Điển chia sẻ, mục đích của chuyến thăm là tìm hiểu cơ hội có thể tăng cường hợp tác song phương giữa Chính phủ, doanh nghiệp hai nước cũng như đẩy mạnh ngoại giao nhân dân. Những lĩnh vực hai bên có thể hợp tác sâu rộng hơn là sáng kiến liên quan đến thành phố thông minh, dự án về hạ tầng quan trọng, thiết yếu như: Cảng biển, sân bay hay giao thông đô thị.
Theo Bộ trưởng Andreas Carlson, trong chiến lược mới của Thụy Điển về thương mại, đầu tư và năng lực cạnh tranh toàn cầu, Thụy Điển đặc biệt tập trung vào khu vực châu Á và Việt Nam là một đối tác quan trọng. Các doanh nghiệp của Thụy Điển đã có mối quan hệ lâu đời tại Việt Nam và đánh giá cao các mối quan hệ hợp tác này. Ông Andreas Carlson hy vọng sẽ tiếp tục kết nối, đẩy mạnh hợp tác phát triển tạo được nhiều mối quan hệ mới trong tương lai.