Kết quả bước đầu được người dân, doanh nghiệp bày tỏ hài lòng và đánh giá cao trong việc giải quyết thủ tục hành chính, góp phần tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển mọi mặt, thực sự văn minh, hiện đại.
Chuyển đổi số đã thực sự đi vào cuộc sống
Ghi nhận thực tế triển khai công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 thành phố tại UBND phường Quảng An và mô hình trông giữ phương tiện không thu phí dùng tiền mặt tại Phủ Tây Hồ trên địa bàn quận Tây Hồ ngày 18/3 của Đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số đang có những chuyển biến tích cực từ ý thức của người dân đến các cán bộ thực thi công vụ.
Tại bãi trông giữ xe ở cảnh Phủ Tây Hồ, các xe có dán mã thẻ trên xe ra vào bãi đỗ cửa barie tự mở, đồng thời việc thanh toán đều không dùng tiền mặt, qua đó giúp người dân nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, được sử dụng dịch vụ minh bạch đúng giá theo quy định của UBND thành phố Hà Nội. Đối với doanh nghiệp, hoạt động này cũng góp phần giảm thiểu tình trạng gian lận, thất thoát; giảm chi phí nhân công vận hành trực tiếp; giảm chi phí quản lý gián tiếp liên quan đến tiền mặt.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, việc thực hiện mô hình này đã tăng hiệu quả quản lý thuế đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hướng tới định danh phương tiện và chủ phương tiện, góp phần đảm bảo an ninh trật tự đô thị. Đáng chú ý, mô hình trông giữ phương tiện không thu phí dùng tiền mặt đã được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) ghi nhận và đánh giá cao, đưa vào tuyên truyền toàn quốc thông qua ứng dụng VNeID.
Tương tự, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, các máy tính, ki-ốt tra cứu thông tin thủ tục hành chính đều sáng đèn. Các công chức văn phòng UBND phường Quảng An tay thoăn thoắt đánh máy nhập các số liệu giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Theo quan sát, chỉ trong 20 phút, nhiều bộ hồ sơ thủ tục hành chính như: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ/trợ cấp mai táng phí... đã được giải quyết trong sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính làm chứng thực bản sao từ bản chính, bà Ngô Thị Lan Huê trú tại phường Quảng An chia sẻ: "Việc liên hệ giải quyết các thủ tục hành chính tại UBND phường giờ đây đã thuận lợi hơn rất nhiều, không mất thời gian như ngày xưa, thậm chí việc trả phí cũng không phải dùng tiền mặt, chỉ cần quét mã QR". Bà Ngô Thị Lan Khuê mong muốn ngày càng có nhiều thủ tục hành chính được giải quyết qua môi trường số, để trong tương lai hình thành chính quyền số, xã hội số, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.
Chia sẻ về lợi ích của việc triển khai liên thông dịch vụ công, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, việc gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến giúp tổ chức, cá nhân có thể thực hiện 24/24 giờ trong ngày tại bất cứ đâu có kết nối Internet; đồng thời có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đúng thời hạn giải quyết theo quy định. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số đã làm thay đổi cơ bản cách thức làm việc cũ, đơn giản hóa việc giải quyết các nhóm thủ tục hành chính, đồng thời, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức các cơ quan hành chính nhà nước.
Song song với đó, sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân, tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của đội ngũ công chức các cơ quan hành chính nhà nước được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội.
Hướng tới hình thành chính quyền số, xã hội số
Thực tế cho thấy, công tác chuyển đổi số đã thực sự đi vào cuộc sống, được hiện thực hóa ở nhiều dịch vụ công, dịch vụ công ích, nhiều công đoạn trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội. Từ đó, góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; hạn chế tiêu cực; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, qua đó đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Qua kiểm tra triển khai công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 thành phố tại UBND phường Quảng An ngày 18/3, nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số và triển khai đề án 06, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị, trong quá trình thực hiện, các cơ quan quản lý nhà nước cần đặt người dân là trung tâm, là chủ thể để nâng cao chất lượng phục vụ. Mọi cơ chế, chính sách đều hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi số phát huy hiệu quả, trước hết, phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, để mỗi người dân sau khi được hưởng lợi từ chuyển đổi số sẽ lan tỏa những lợi ích của quá trình này.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, nhằm hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (mức thu bằng “không”). Đặc biệt, lãnh đạo thành phố đã thực hiện ký số hoàn toàn trên hệ thống phần mềm dùng chung Quản lý văn bản và Điều hành thành phố Hà Nội. 100% các cơ quan nhà nước của thành phố Hà Nội đã triển khai ký số văn bản trên hệ thống; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố 3 cấp được kết nối với Trung ương; thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, có trọng tâm; bảo đảm sự công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.