Mục tiêu của kế hoạch là đảm bảo tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế, tái sử dụng đạt trên 12%; đồng thời có trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trường học được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND thành phố Đà Nẵng đã đặt ra các nhiệm vụ: Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tới từng gia đình, cơ quan, doanh nghiệp; nhân rộng các sáng kiến, mô hình hiệu quả trong phân loại rác thải tại các khu dân cư, nơi công cộng. Các sở, ngành kết hợp với các địa phương hoàn thiện các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng mô hình tái chế chất thải rắn xây dựng nhằm bảo vệ môi trường. Đồng thời, các cấp, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sau phân loại; ban hành cơ chế, chính sách về khen thưởng hoặc xử lý vi phạm hành chính liên quan đến công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt...
Trong năm qua, tại Đà Nẵng đã có nhiều mô hình, sáng kiến về phân loại chất thải rắn được triển khai, nhân rộng như: "Cá bống ăn rác", "Mỗi hố rác một cây xanh", "Chung cư xanh", "Câu lạc bộ môi trường Cựu chiến binh", "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông"... Một số quận, huyện có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, tái chế lớn như: quận Hải Châu đạt 121 tấn, quận Thanh Khê đạt 50 tấn, huyện Hòa Vang đạt 40 tấn.
Bên cạnh đó, việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như: Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhưng phương án tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chưa đồng bộ nên chưa có được niềm tin của người dân; quy trình phân loại còn thiếu sự kết nối với doanh nghiệp thu gom rác tái chế, chưa tạo được mạng lưới thu gom, tái chế toàn thành phố...
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, sự phát triển nhanh chóng về kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian qua đã làm gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt. Trung bình khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn hơn 1.100 tấn/ngày; dự báo, giai đoạn từ 2020-2025 là trên 1.800 tấn/ngày; giai đoạn năm 2025 - 2030 hơn 2.400 tấn/ngày và từ năm 2030 - 2040 hơn 3.000 tấn/ngày.
Vì vậy, để tránh những áp lực về xử lý rác thải trong tương lai, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay từ bây giờ.