Tầm quan trọng của việc nêu thông điệp rõ ràng về cách thức COVID-19 lây lan

Sau hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới đã hiểu rõ hơn cách thức COVID-19 lây lan.

Chú thích ảnh
Tấm biển yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm dịch COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 29/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Khi người mắc bệnh thở ra các giọt bắn và các hạt rất nhỏ có chứa virus, người khỏe mạnh có thể vô tình hít phải khi tiếp xúc ở khoảng cách gần, hoặc ở khu vực có chung đường thông gió. Tuy nhiên, hành trình tiếp nhận bằng chứng khoa học này vẫn còn rất chậm và đối mặt với nhiều tranh cãi. Kể cả vào thời điểm hiện tại, các chính sách và hướng dẫn cập nhật về phòng dịch vẫn không được tuân thủ một cách nghiêm túc, một phần là do hiểu lầm về khả năng virus lây lan trong không khí.

Trang Time.com của Mỹ mới đây đã đăng bài viết của các chuyên gia, trong đó cho rằng chính sự hiểu lầm về cách thức lây lan của virus SARS-CoV-2 đã tác động tiêu cực đến biện pháp ứng phó dịch trong những tháng đầu đại dịch bùng phát và tiếp tục kéo dài cho đến nay. Một phần lý do dẫn đến hiểu lầm là từ khóa "airborne".

Trong bệnh viện, từ "airborne" - nguy cơ virus lây lan trong không khí gắn với các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt như các nhân viên y tế phải sử dụng khẩu trang N95, và sử dụng phòng áp lực âm cho các bệnh nhân. Đây là những biện pháp đòi hỏi nhiều nguồn lực và tuân thủ yêu cầu về pháp lý, song việc thiếu hụt trang thiết bị y tế trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 đã gây trở ngại cho việc áp dụng các quy tắc phòng ngừa này ở các bệnh viện.

Do từ khóa "airborne" mang ý nghĩa đặc biệt trong môi trường bệnh viện, sự hiểu lầm trong thời gian dài về cách thức virus lây lan và xu hướng coi thường tầm quan trọng của nguy cơ này, giới chức y tế đã rất thận trọng khi đề cấp đến từ này, kể cả khi đây là cách thức rõ ràng nhất để truyền đạt đến người dân về nguy cơ lây nhiễm và cách thức phòng COVID-19.

Do “airborne” là một từ ngữ nhạy cảm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nên việc sử dụng từ này là vô cùng hạn chế trong đại dịch. Dần dần sau hai năm, giới chức y tế đã ghi nhận tầm quan trọng của nguy cơ lây nhiễm này. Vào tháng 12/2021, WHO đã sử dụng từ “airborne” trên trang chủ để giải thích cách thức COVID-19 lây lan. Bài viết cho rằng việc sử dụng từ này từ sớm có thể giúp thúc đẩy việc thực hiện các chiến lược phòng dịch hiệu quả như tiêu chuẩn 3C của Nhật Bản (gồm tránh tiếp xúc gần, tránh đám đông, tránh không gian kín và môi trường lưu thông không khí kém), thay vì tập trung vào giãn cách 2m và khử trùng bề mặt. Điều này cũng sẽ làm giảm xu hướng phản đối sử dụng khẩu trang.

Đặng Ánh (TTXVN)
Sân bay Changi của Singapore sẵn sàng đón khách trở lại
Sân bay Changi của Singapore sẵn sàng đón khách trở lại

Trong bối cảnh Singapore nới lỏng hạn chế đi lại và các biện pháp phòng dịch COVID-19 khác, sân bay Changi đã sẵn sàng đón thêm nhiều khách với hy vọng có thể khôi phục lượng khách về mức trước đại dịch. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN