Trong 24 giờ qua, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 1.609 trường hợp mắc mới, tăng 272 trường hợp so với ngày trước đó. Như vậy, trong đợt dịch lần thứ 4 tính đến ngày 18/11, TP Hồ Chí Minh có 452.722 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Nhận định về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Theo đó, số ca mắc mới mỗi ngày vẫn còn cao, có ngày lên đến trên 1.400 ca mắc mới. Số bệnh nhân nặng thở máy vẫn ở mức cao và ngày càng tăng; chẳng hạn như ngày 14/11 là 258 ca, ngày 15/11 là 274 ca, ngày 16/11 là 284 ca và ngày 17/11 lên đến 302 ca. Ngoài ra, số ca nhập viện thời gian gần đây luôn cao hơn số ca xuất viện, khác với những ngày trong tháng 10.
"Một trong những con số đáng lo ngại khác đó là số ca tử vong chưa giảm, thậm chí còn tăng. Chẳng hạn như ngày 15/11 có 35 trường hợp tử vong, ngày 16/11 có 26 trường hợp và ngày 17/11 số ca tử vong tăng lên 42 trường hợp", ông Phạm Đức Hải nói.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, hiện nay, mục tiêu chung của Thành phố là làm sao duy trì và bảo vệ được thành quả chống dịch trong suốt thời gian qua; đồng thời kéo giảm số ca nhập viện cũng như số ca tử vong và củng cố lại hệ thống y tế. Với tinh thần đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng với các sở, ngành bàn các giải pháp và xây dựng các kịch bản cụ thể ứng phó với dịch.
Về ngưỡng đáp ứng của Thành phố với dịch COVID-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, cùng với số nhân sự hiện có gồm 9.100 bác sĩ, 19.600 điều dưỡng và số giường oxy, giường hồi sức cấp cứu, giường bệnh... Thành phố có khả năng đáp ứng 120.000 F0 cùng thời điểm.
"Sở Y tế đã xây dựng 7 kịch bản đáp ứng với từng số liệu F0. Bên cạnh đó, tất cả lực lượng y, bác sĩ và điều dưỡng tại thành phố đều đã được cọ xát thực hành trong đợt dịch lần 4 nên có thể xử lý tốt các tình huống xảy ra", bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cũng cho biết, hiện Thành phố còn khoảng 2.000 gói thuốc C và đang xin Bộ Y tế thêm 100.000 gói thuốc C để dự trù khi F0 tăng lên.
Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Y tế đã củng cố lại lực lượng hỗ trợ chăm sóc F0 như kích hoạt lại hệ thống mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”. Theo đó, mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" với 2.500 bác sĩ sẽ đến tận phường, xã hỗ trợ F0 khi Trạm y tế chưa xử lý tốt. Bên cạnh đó, Sở Y tế duy trì và tiếp tục phát triển hệ thống Tổng đài 1022 nhánh số 3, 4 để tư vấn sức khỏe, kịp thời hỗ trợ cho F0.