Trong báo cáo này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, ngày 13/10 sẽ có các tuyến xe khách của 6 tỉnh: Đồng Nai, Điện Biên, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình sẽ hoạt động trở lại.
Lãnh đạo Văn phòng Bộ Giao thông vận tải chia sẻ, sau 1 ngày ban hành và triển khai, tinh thần chung là các địa phương đã sẵn sàng. Tuy nhiên mạng lưới vận tải hành khách liên tỉnh rất lớn cần sự triển khai thống nhất giữa 2 đầu tuyến. Chính vì vậy cần có sự hỗ trợ tích cực của các ban ngành cho các địa phương để sớm triển khai đồng bộ trên toàn quốc.
Cụ thể, về tình hình triển khai chạy tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh của các tuyến, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến nay, 7 Sở Giao thông vận tải đã được UBND tỉnh đồng ý với kế hoạch khôi phục vận tải, gồm: Điện Biên, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình.
Trong đó, ngay trong ngày 13/10, các tuyến của 6 tỉnh: Đồng Nai, Điện Biên, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình sẽ hoạt động trở lại.
Các tuyến cụ thể, gồm: Điện Biên - Sơn La (3 chuyến/ngày); Điện Biên - Lào Cai (2 chuyến/ngày); Đồng Nai - TP Hồ Chí Minh (10 chuyến/hai đầu); Đồng Nai - Vĩnh Long (2 chuyến/hai đầu); Bắc Giang - Thái Nguyên, Ninh Bình - Hải Phòng (1 chuyến/ngày); Quảng Bình (Bến xe Đồng Hới) - Quảng Trị (Bến xe Lao Bảo), Quảng Bình (Bến xe Ba Đồn) - Quảng Trị (Bến xe Lao Bảo) (2 xe/2 chuyến/ngày chạy đối lưu).
Cùng với đó, 14 Sở Giao thông vận tải đang chờ UBND tỉnh đồng ý với kế hoạch khôi phục lại các tuyến. Riêng TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố có chủ trương để Sở Giao thông vận tải chủ động mở các tuyến. Hiện Sở Giao thông vận tải cũng đồng ý mở hết các tuyến trên cơ sở tần suất theo quyết định số 1777/QĐ-BGTVT ngày 10/10/2021 của Bộ Giao thông vận tải và hành khách đến TP Hồ Chí Minh phải xét nghiệm, từ TP Hồ Chí Minh đi phải tiêm 2 mũi vaccine. Hiện Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh chỉ chờ các sở đầu đối lưu có văn bản thống nhất và gửi về Sở để cùng khai thác.
“Với Hải Phòng hiện đã chạy các tuyến Thái Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn (trừ Văn Lãng), Hà Nam (trừ Phủ Lý), Nam Định (trừ Hải Hậu), Ninh Bình (trừ Kim Sơn), Hòa Bình (trừ Lương Sơn) kể từ khi triển khai Quyết định 1740/QĐ-BGTVT ngày 30/9/2021 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay.
Báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, hiện Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có báo cáo đề xuất xem xét chấp thuận kế hoạch chạy tuyến liên tỉnh đến 8 địa phương, mỗi tỉnh lựa chọn 1 tuyến với tần suất 1 chuyến/ngày, gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên. Các Sở Giao thông vận tải đối lưu đã chấp thuận kế hoạch này và đang chờ quyết định chính thức từ UBND thành phố Hà Nội.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, để triển khai Quyết định 1777/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về quy định tạm thời tổ chức vận tải hành khách bằng ô tô giai đoạn thí điểm (13/10-20/10), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành văn bản số 7259/TCĐBVN - VT ngày 11/10/2021 gửi Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố, Cục Quản lý đường bộ yêu cầu triển khai đầy đủ các nội dung của Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo. Đồng thời Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng có văn bản số 7347/TCĐBVN - VT ngày 12/10/2021 gửi Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố thông báo vị trí các điểm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ.
Trước đó, ngày 10/10, Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định tạm thời thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Quy định mới của Bộ Giao thông vận tải áp dụng đối với hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ trên phạm vi toàn quốc, thí điểm từ ngày 13/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021. Sau một thời gian thực hiện, Bộ Giao thông vận tải sẽ đánh giá và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế giai đoạn tiếp theo.
Tại quy định này, Bộ Giao thông vận tải đã có hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô có bến đi hoặc bến đến nằm trong địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đi, đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc có nguy cơ thấp hơn và ngược lại trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đưa ra những quy định cụ thể đối với từng đối tượng: hành khách, lái xe, doanh nghiệp vận tải, bến xe, trạm dừng nghỉ,… nhằm đảm bảo hiệu quả cao và an toàn nhất khi hoạt động vận tải khách liên tỉnh hoạt động trở lại.