Sông Đăk Bla giảm mực nước, nguy cơ ảnh hưởng nhiều diện tích cây trồng

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kon Tum, hiện nay, lưu lượng nước trên sông Đăk Bla chảy qua địa phận huyện Kon Rẫy và thành phố Kon Tum đang thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 30 – 55%. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động của các trạm bơm, nguy cơ gây thiếu nước cho hàng trăm hecta diện tích canh tác nông nghiệp nằm trên lưu vực sông.

Chú thích ảnh
Sông Đăk Bla chảy qua huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, có lưu lượng nước thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 30 - 55%.

Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, Kon Tum đang bước vào cao điểm của mùa khô năm 2024 – 2025. Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, tại các cánh đồng canh tác lúa dọc theo bờ sông Đăk Bla, công tác bơm, tưới tiêu đang diễn ra khẩn trương, bởi chỉ còn gần một tháng nữa, lúa sẽ bước vào giai đoạn trổ đòng. Thế nhưng, do lượng nước trên sông Đăk Bla giảm, nên việc tưới tiêu của bà con đã bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Thế Điền, cán bộ điều tiết nước cho cánh đồng rộng 50 ha thôn 6, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum cho biết, nước được bơm từ trạm bơm Vinh Quang, lấy nước từ sông Đăk Bla về. Tuy nhiên, do diện tích lúa cần nước nhiều, nên nước chỉ phục vụ đủ cho một số diện tích giáp kênh, mương, đường ống dẫn nước. Đối với các diện tích nằm sâu bên trong, do thiếu nước nên bị cháy nắng hoặc cỏ mọc nhiều. Cá biệt, có một số thửa ruộng đã bị bỏ hoang vì lúa đã chết do cháy nắng.

“Để đảm bảo nước thì chúng tôi đã khoan một giếng nước ở giữa cánh đồng, lấy nước để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nếu mà không có giếng này sợ là không đủ nước để tưới”, ông Nguyễn Thế Điền cho biết thêm.

Còn ông Nguyễn Văn Hoa Đào, trú thôn 5, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum chia sẻ, ông đang canh tác một sào ruộng tại cánh đồng của thôn. Do thiếu nước, ông và nhiều hộ dân khác phải thức dậy từ 4 giờ sáng để đi đắp nước. Ông Đào cũng cho biết, do thiếu nước nên xảy ra một số trường hợp cãi nhau, thậm chí là gây gổ với nhau trong việc đắp bờ giữ nước và tháo bờ dẫn nước vào ruộng.

“Làm một sào ruộng, nếu mà thuận lợi thì chắc lời được hai triệu một vụ, mà năm nay thiếu nước thế này sợ không được. Thiếu nước, tình làng nghĩa xóm cũng bị ảnh hưởng, cách đây một tuần, nếu chúng tôi không ngăn cản kịp thì hai gia đình có ruộng cạnh nhà tôi đã đánh nhau vì tháo nước rồi”, ông Đào buồn rầu nói.

Chú thích ảnh
Người dân canh tác khu vực ngoại ô thành phố Kon Tum đắp bờ tận dụng nước đưa vào ruộng lúa. 

Theo ông Đặng Trần Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kon Tum, nguyên nhân dẫn đến việc lưu lượng nước sông Đăk Bla giảm thấp là do lượng mưa trên lưu vực trong 3 tháng qua (từ tháng 1 - 3/2025) đạt thấp và một số công trình thủy điện, thủy lợi ở thượng nguồn lấy nước để phục vụ sản xuất.

“Hiện tại, lưu lượng nước đến trên sông Đăk Bla đang thấp hơn cùng kỳ nhiều năm. Trường hợp mực nước lòng hồ Thủy điện Ia Ly hạ thấp kết hợp với lượng nước đến từ thượng nguồn sông Đăk Bla không đạt cao trình các bể hút, các trạm bơm sẽ không thể vận hành để bơm nước phục vụ tưới. Do đó, đã ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân, nhất là đối với các diện tích lúa nước do các Trạm bơm đảm nhận”, ông Huân phân tích.

Mới đây, tại văn bản số 983/UBND-KTN, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum yêu cầu các chủ hồ đập thủy lợi, thủy điện thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa và quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định của Quy trình vận hành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, hạn hán, chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương ở phía hạ du để bảo đảm việc vận hành các hồ chứa không ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng nước, các hoạt động sản xuất và an toàn của nhân dân ở phía hạ du các hồ chứa.

Chú thích ảnh
Thiếu nước, diện tích này không thể canh tác lúa trong vụ Đông Xuân 2024 - 2025. 

Theo ông Huân, việc lưu lượng nước trên sông Đăk Bla giảm không phải là do các chủ đập thủy lợi, thủy điện vận hành khai thác công trình không tuân thủ theo quy định của pháp luật, mà do nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, để kiểm tra cụ thể việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa và quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu về hạ lưu, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước gửi các chủ đập thủy điện.

“Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi và Tài nguyên nước phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Kon Tum, Trạm quản lý thủy nông thành phố Kon Tum tổ chức nạo vét, khơi thông kênh dẫn, bể hút các trạm bơm điện để đảm bảo dẫn nước đủ cột nước vận hành bơm tưới. Đối với các trạm bơm mực nước sông thấp hơn bể hút thực hiện lắp đặt máy bơm dự phòng, nối đường ống, lấy nước trực tiếp từ lòng sông để tiếp nước chống hạn”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kon Tum khẳng định.

Bài và ảnh: Dư Toán (TTXVN)
Mực nước sông Lô qua thành phố Tuyên Quang xuống thấp kỷ lục
Mực nước sông Lô qua thành phố Tuyên Quang xuống thấp kỷ lục

Theo Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh Tuyên Quang, mực nước sông Lô đoạn qua thành phố Tuyên Quang lúc 13 giờ ngày 2/4 ở mức 12,48m.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN