Gần 7 năm qua, cột ăng ten cao khoảng 30 m của Công ty Cổ phần viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel Mobile) đặt trên sân thượng ngôi nhà của gia đình anh Lê Trương Hoàng Anh tọa lạc ở Phường 1, thành phố Cao Lãnh không được bảo trì, bảo dưỡng. Thân cột bị bong tróc sơn, dây cáp, ốc siết cáp bị gỉ sét, các bulong liên kết thân trụ với bản đế bị gỉ sét… Đáng lo ngại, cột ăng ten này nằm ngay khu vực mặt tiền đường Tôn Đức Thắng, nơi tập trung đông dân cư.
Anh Lê Trương Hoàng Anh chia sẻ, bản thân rất lo lắng trước sự xuống cấp của cột ăng ten nên đã nhiều lần liên hệ người phụ trách, quản lý cột ăng ten nhưng tới nay vẫn “biệt vô âm tín”. Lâu ngày không được bảo trì, bảo dưỡng nên một số bộ phận của cột ăng ten bị gỉ sét, anh Hoàng Anh lo sợ ảnh hưởng tới sự an toàn của gia đình và những người xung quanh. Hiện giờ, anh đang băn khoăn, không biết xử lý thế nào cho đúng, nếu tự ý tháo dỡ cột ăng ten thì trái với hợp đồng, lo nhà mạng gây khó khăn cho anh sau này, còn giữ lại thì sợ nguy hiểm.
Xuống cấp và xuất hiện những dấu hiệu không đảm bảo an toàn là tình trạng chung của nhiều cột ăng ten của nhà mạng Gtel Mobile tại Đồng Tháp. Theo thống kê sơ bộ của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp, trên địa bàn tỉnh có 73 cột ăng ten của nhà mạng Gtel Mobile, trong đó, 29 cột xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm, có nguy cơ gãy đổ; 44 cột cần kiểm tra, đánh giá an toàn chịu lực công trình. Các công trình cột ăng ten này thuộc 2 loại: cột do Gtel Mobile là chủ sở hữu (Gtel Mobile thuê đất của người dân rồi đầu tư xây dựng cột ăng ten) và cột do người dân là chủ sở hữu (người dân đầu tư kinh phí xây dựng cột ăng ten rồi Gtel Mobile thuê lại theo hình thức xã hội hóa).
Chẳng những không thực hiện nghiêm công tác bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định chất lượng công trình theo quy định, nhà mạng Gtel Mobile còn nợ tiền thuê mặt bằng xây dựng cột ăng ten, tiền thuê cột ăng ten của người dân trong nhiều năm qua. Anh Nguyễn Văn Nghiệp ở Phường 6, thành phố Cao Lãnh cho hay, suốt thời gian dài, anh không liên lạc được người đại diện công ty phụ trách quản lý cột ăng ten xây dựng trên đất của gia đình anh, cũng không thanh toán tiền thuê đất cho gia đình anh. Khoảng 7 năm nay, cột ăng ten này không hoạt động vì không thanh toán tiền điện, công ty điện lực đã cắt nguồn điện cấp cho cột. Anh Nghiệp rất mong, cơ quan chức năng sớm có giải pháp tháo dỡ để đảm bảo an toàn, tránh gãy đổ, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa gió.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Lâm Thanh Thủy cho biết, nhiều năm qua, các cột ăng ten của Gtel Mobile trên địa bàn tỉnh đã dừng hoạt động, trong đó có một số cột xuống cấp, có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn. Trong quá trình xử lý những cột ăng ten có một số khó khăn. Đó là Gtel Mobile không thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định chất lượng công trình theo quy định. Mặc dù UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các ngành chức năng đã nhiều lần gửi văn bản nhưng đến nay, Gtel Mobile vẫn chưa thực hiện công tác này.
Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy cho biết thêm, theo quy định, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình cột ăng ten tổ chức khảo sát, kiểm định chất lượng công trình định kỳ để đánh giá mức độ nguy hiểm, từ đó có quyết định sửa chữa hay tháo dỡ công trình. Vì vậy khó khăn liên quan là kinh phí cho việc kiểm định và tháo dỡ công trình. Về việc xử lý tài sản sau khi tháo dỡ, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đang cân nhắc là giao lại cho chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình hay là thanh lý tài sản đó.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý những công trình cột ăng ten mất an toàn trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương phối hợp với các địa phương rà soát và sớm hoàn thành kế hoạch, phương án tháo dỡ.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp, đơn vị sẽ tập trung xử lý những công trình tháp truyền thông có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn trong sử dụng, khai thác. Sở tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ công tác liên ngành để triển khai ngay việc tiếp tục khảo sát, đánh giá hiện trạng và xây dựng phương án tháo dỡ đối với cột ăng ten có nguy cơ gãy đổ. Đồng thời, Sở phối hợp với chính quyền địa phương vận động chủ sở hữu tự tháo dỡ cột ăng ten không đảm bảo an toàn. Trường hợp chủ sở hữu không tự tháo dỡ, chính quyền địa phương thực hiện thủ tục cưỡng chế tháo dỡ theo quy định. Đối với những cột ăng ten chưa có dấu hiệu huy hiểm, chủ sở hữu có nhu cầu tiếp tục sử dụng phải thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định mức độ an toàn công trình.