Ảnh 360: Người dân thôn Đại Nghiệp bức xúc về công tác quản lý, tu bổ chùa cổ 700 tuổi

Qua phản ánh của người dân thôn Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội về sự xuống cấp của chùa Diên Phúc Tự (Chùa Tre) không đơn giản là do thời gian và thiên tai; mong muốn chính quyền địa phương làm rõ trách nhiệm của sư trụ trì trong công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo ngôi chùa 700 năm tuổi này.

Vừa qua báo Tin tức nhận được đơn thư phản ánh từ người dân thôn Đại Nghiệp bức xúc về sự chậm trễ trong công tác cải tạo, tu bổ chùa Diên Phúc Tự (tên dân gian là Chùa Tre). Điều đáng nói, sự bức xúc của người dân không dừng lại ở việc chậm trễ tu bổ chùa cổ 700 năm tuổi này, mà còn cho rằng Ni sư Thích Đàm Vinh - trụ trì Chùa Tre không có ý định tu bổ chùa cổ, dành kinh phí để xây chùa mới.

Video phóng viên ghi nhận ở Chùa Tre:

Ông Đặng Nguyên Hải (60 tuổi, có nhà ngay trước cổng Chùa Tre) cho biết, thật khó hiểu khi một ngồi chùa cổ trường tồn 7 thế kỷ qua không được chính người trông coi chùa chăm sóc, nâng niu; mà còn có yếu tố phá hoại như chọc mái ngói, đốt cột, chặt cây cổ thụ trong khuôn viên chùa. Đơn cử như bức hoành phi và các đồ thờ cúng trên ban tam bảo có niên đại hàng trăm năm nhưng không được bảo quản cẩn thận mà lại bị vứt bỏ, phơi sương phơi nắng.

"Tôi và nhiều người dân nơi đây thấy khó hiểu vì sao Ni sư Thích Đàm Vinh không dành kinh phí của các phật tử đóng góp cung tiến cho việc tu bổ chùa cổ, mà lại xây dựng nhiều hạng mục mới", ông Đặng Nguyên Hải cho hay.

Nhiều người dân như bà Bùi Thị Toán, Bùi Thị Thủy, Phan Thị Lan, ông Nguyễn Xuân Mạnh, chia sẻ với phóng viên báo Tin tức: Trong năm 2022 và 2023, nhiều lần người dân thôn Đại Nghiệp đã gửi đơn thư tố cáo Ni sư Thích Đàm Vinh với các hành vi có yếu tố "phá hoại" ngôi chùa cổ này. Ngay sau đó, UBND xã Tân Dân cũng đã có văn bản thông báo kết quả xác minh nội dung tố cáo.

Theo văn bản số 329/TN-UBND ngày 2/11/2022, ông Nguyễn Trung Hội, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết, kết quả xác minh cho thấy một số nội dung tố cáo của người dân là hoàn toàn có cơ sở, như: Nhà sư trụ trì tự ý chặt hạ cây trong khuôn viên chùa, không kịp thời thông báo đến chính quyền địa phương khi có sự cố như đổ tường rào bao quanh chùa; xác định sự việc nhà sư khóa cửa chùa, không cho một gia đình vào lễ là có thật; việc thu tiền lễ không có biên lai, biên nhận là có thật.

Chú thích ảnh
Những bức tượng quý và đồ thờ cúng trên ngôi Tam Bảo đã được di dời sang nơi khác, và người dân thôn Đại Nghiệp cho rằng việc di dời này có nhiều khuất tất.
Chú thích ảnh
Việc Ni sư Thích Đàm Vinh dành kinh phí xây các hạng mục mới mà không dành cho tu bổ, tôn tạo chùa cổ khiến người dân bức xúc. Hiện, các pho tượng đang được tạm di chuyển sang ngôi nhà ba gian vừa xây mới, trong thời gian chờ chùa được trùng tu, sửa chữa.

Đáng chú ý, văn bản trên cũng nêu rõ, trong quá trình chính quyền địa phương rà soát, làm việc với các bên liên quan theo đơn thư tố cáo, Ni sư Thích Đàm Vinh không chịu phối hợp giải trình làm rõ, mặc dù được cơ quan chức năng gửi giấy mời đến 3 lần.

Liên quan đến các nội dung tố cáo của người dân về việc thu tiền lễ quá cao, chính quyền xã Tân Dân đã đề nghị Ni sư Thích Đàm Vinh phải dựa trên cơ sở kinh tế của từng hộ gia đình, hướng dẫn nhân dân làm lễ cúng Phật theo đúng nghi lễ, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và tự nguyện. 

Việc "phân bổ và trực tiếp thu tiền của nhân dân là trái với quy định của Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Hiện tại các gia đình được xác minh cho biết mức thu lễ như vậy là quá cao", văn bản nêu rõ.

Bên cạnh giải quyết các đơn thư tố cáo của người dân, UBND xã Tân Dân cũng đã đề nghị Hội Phật giáo huyện Phú Xuyên cho ý kiến về việc nhà sư trực tiếp thu tiền của nhân dân là trái quy định.

Trả lời phóng viên báo Tin tức, ông Trần Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dân khẳng định: Theo báo cáo từ thôn Đại Nghiệp, sự phối hợp giữa nhà sư và thôn chưa chặt chẽ. Thôn Đại Nghiệp muốn mời nhà sư ra họp để bàn về công tác tu bổ, tôn tạo chùa mà cũng rất khó gặp. 

Liên quan đến sự chậm trễ trong việc tu bổ chùa cổ đang xuống cấp nghiêm trọng, lãnh đạo xã Tân Dân thừa nhận: Sự việc này đúng là có chậm trễ. "Cấp ủy và chính quyền rất sốt ruột trong việc tu bổ di tích này, chúng tôi đã yêu cầu dừng các hoạt động tín ngưỡng tại chùa; chỉ đạo thôn Đại Nghiệp tập trung họp dân để bàn, thống nhất cách thức tu bổ. Hiện theo thiết kế, nguồn tiền huy động cho việc tu bổ này cũng phải hơn 10 tỷ đồng".

Hiện phóng viên báo Tin tức đã liên lạc với đại diện Giáo hội Phật giáo huyện Phú Xuyên, liên quan đến trách nhiệm, vai trò của Ni sư thích Đàm Vinh - Trụ trì Chùa Tre, đại diện Giáo hội Phật giáo huyện cho rằng, chưa nhận được thông tin phản ánh từ địa phương.

Phóng viên đang tiếp tục làm việc với UBND huyện Phú Xuyên, Công an huyện Phú Xuyên và Giáo hội Phật giáo huyện Phú Xuyên để làm rõ sự việc.

Một số hình ảnh ghi nhận sự xuống cấp của chùa Diên Phúc Tự:

Chú thích ảnh
Chùa Tre ở thôn Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội được xây dựng vào năm 1328, đến nay đã gần 700 năm tuổi.
Chú thích ảnh
Mái ngói xô lệch, thủng nhiều chỗ, tường vôi bong tróc, ẩm mốc, sân chùa cỏ mọc um tùm, tượng Phật Quan Âm trong khuôn viên chùa bị nứt vỡ, bong tróc nhiễu chỗ...
Chú thích ảnh
Chùa Tre tên chữ là Diên Phúc Tự (vào thời nhà Trần còn gọi là Diên Phúc Viên Tự), được xây dựng năm Khai Thái thứ 5, ngày mùng 7 tháng Giêng năm Mậu Thìn (1328), đến nay đã tròn 7 thập kỷ.
Chú thích ảnh
Chính quyền địa phương đã yêu cầu dừng các hoạt động tôn giáo tại đây và gắn biển cảnh báo nguy hiểm.
Chú thích ảnh
Kiến trúc chính của chùa là khu Tam Bảo có mặt bằng chữ Đinh (T). Trải qua gần 7 thế kỷ, hiện Chùa Tre đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.
Chú thích ảnh
Vết cháy trên thân cột chùa còn rất mới và người dân cho rằng đây là hành vi phá hoại.
Chú thích ảnh
Dù ngôi chùa đã có tuổi đời lên đến 700 năm, nhưng vẫn chưa được cấp bằng di tích lịch sử.
Chú thích ảnh
Hiện thôn Đại Nghiệp đã xin cấp phép xây dựng để được tu sửa ngôi chùa bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đồng thời, sẽ có ý kiến đề xuất lên chính quyền để công nhận Chùa Tre là di tích lịch sử.
Chú thích ảnh
Phần mái ngói hư hỏng nặng.
Chú thích ảnh
Theo lãnh đạo UBND xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên đã có văn bản yêu cầu chấp nhận chủ trương tu sửa Chùa Tre do xuống cấp. 
Chú thích ảnh
Toàn cảnh khuôn viên Chùa Tre nhìn từ trên cao.

 

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Ảnh 360: Đường bao biển xuyên núi kết nối hai thành phố lớn của Quảng Ninh
Ảnh 360: Đường bao biển xuyên núi kết nối hai thành phố lớn của Quảng Ninh

Với tổng mức đầu tư 2.290 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Ninh, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả được đánh giá là tuyến đường du lịch ven biển hiện đại, độc đáo ở Việt Nam nhờ có sự kết hợp của núi và biển với những cảnh quan đặc sắc, phong phú.

Ảnh 360: Cận cảnh vị trí xây hầm chui thứ 6 của Hà Nội
Ảnh 360: Cận cảnh vị trí xây hầm chui thứ 6 của Hà Nội

Nút giao Cổ Linh-Đàm Quang Trung (quận Long Biên) được TP Hà Nội lựa chọn, đầu tư 700 tỷ đồng xây hầm chui thứ 6; thời gian thực hiện dự án từ 2023 - 2024.

Ảnh 360: Cận cảnh 'chuồng cọp' ở Hà Nội tăng giá chóng mặt sau quy hoạch 1/500
Ảnh 360: Cận cảnh 'chuồng cọp' ở Hà Nội tăng giá chóng mặt sau quy hoạch 1/500

Ngay khi TP Hà Nội công bố quy hoạch 1/500 về khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), giá bất động sản nơi đây tăng chóng mặt; ước tính mỗi m2 thời điểm này phải trên 50 triệu đồng/m2, tuỳ vị trí.

Hà Nội: Chùa Tre gần 700 tuổi đang xuống cấp nghiêm trọng
Hà Nội: Chùa Tre gần 700 tuổi đang xuống cấp nghiêm trọng

Chùa Tre (còn gọi là Diễn Phúc tự) ở thôn Đại Nghiệp (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được xây dựng vào năm Mậu Thìn (1328 - thời nhà Trần). Ngôi chùa hiện nay đang xuống cấp trầm trọng, mái ngói xô lệch và thủng nhiều chỗ, tường vôi bong tróc, ẩm mốc, cột kèo bị mối mọt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN