Mỗi tháng 2 đợt, người dân trên tuyến đường ĐX01 lại tất bật chuẩn bị di chuyển theo giờ con nước lên. Nếu như các năm trước, con nước lớn gây ngập sâu vào tháng 9 đến tháng Chạp thì hiện nay hầu như tháng nào cũng bị ngập, đặc biệt là ngay dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nước ngập lênh láng, chảy xiết khiến người dân không thể đi lại.
Ông Nguyễn Văn Lành, có nhà trên tuyến đường chia sẻ, vất vả nhất là học sinh đi học vì khi nước ngập xảy ra, xe không thể di chuyển. Nếu triều cường xảy ra vào buổi sáng, các hộ gia đình phải chở con em đi học từ 2 - 3 giờ khuya. Sau đó, các em học sinh ngủ tạm gần trường chờ đến sáng để vào học. Nhiều hộ gia đình thì đóng xuồng đưa con em đi học. Tuy nhiên việc đi lại khó khăn, nhiều học sinh bị ngã ướt hết đồ đành phải nghỉ học hôm đó.
Theo ông Lành, không chỉ việc đi học của trẻ em gặp khó khăn mà kinh tế gia đình các hộ dân nơi đây cũng bị ảnh hưởng. Đơn cử, vườn dừa thường xuyên bị ngập gây thiệt hại về chất lượng, năng suất cho trái. Hiện nay nước mặn xâm nhập, kèm theo thường xuyên bị ngập úng, cây dừa cho trái giảm hơn 50% năng suất, thu nhập của người dân giảm theo. Bên cạnh đó, giao thông đi lại khó khăn, thương lái thu mua ép giá, chi phí vận chuyển rất cao.
Gần với nhà ông Lành, ông Nguyễn Văn Thiện, có vườn dừa nằm cạnh tuyến đường cho hay, hiện ông đắp tạm bờ bao ngăn nước gia cố vào tường gạch bao quanh vườn dừa của mình. Ông Thiện cho biết, trước đây, khi nghe xã vận động ủng hộ tiền để làm đường, ông là một trong những hộ tiên phong đầu tiên với mong muốn nhanh chóng có tuyến đường đàng hoàng cho con cháu đi học đỡ vất vả. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, đường mới chưa thấy làm, đường cũ ngày càng xuống cấp nên cuộc sống người dân ngày càng vất vả, đi lại khó khăn hơn.
Ông Thiện chia sẻ, ông cùng hơn 300 hộ dân nơi đây từng ngày mong mỏi con đường hoàn thành để có tuyến đường giúp đi lại thuận tiện, lưu thông hàng hóa dễ dàng, phát triển kinh tế, nhất là các cháu học sinh đi học không còn vất vả. Bên cạnh đó, người dân mong muốn có các công trình cống chống ngập, ngăn mặn, trữ ngọt để an tâm phát triển kinh tế.
Theo bà Huỳnh Thị Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Thới B, chính quyền xã đã nắm được tình trạng xuống cấp và thường xuyên bị ngập nước của tuyến đường ĐX01 thông qua phản ánh của người dân và các chuyến đi thực tế. Khoảng 3 năm gần đây, triều cường dâng cao hơn những năm trước nên tuyến đường ĐX01 cũng bị ngập sâu hơn gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Bà Lành cho hay, trước đây, giai đoạn 2016 - 2021, xã Thành Thới B còn nằm trong danh sách xã bãi ngang và được tiếp cận nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 nên đã đưa tuyến đường ĐX01 vào danh mục ưu tiên đầu tư. Trong thời gian đó, các ngành chức năng đã làm dự toán, khảo sát thực tế và dự trù kinh phí hết khoảng gần 50 tỉ đồng để nâng cấp tuyến đường. Tuy nhiên, khi mới làm được hơn 400m thì xảy ra COVID-19 nên phải tạm ngừng. Sau đó, từ năm 2022, xã Thành Thới B không còn nằm trong danh sách xã bãi ngang nữa nên không còn được sử dụng nguồn vốn nói trên.
Sau khi điều chỉnh dự án và tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau nhưng không được, địa phương có kiến nghị đề xuất sử dụng nguồn trung hạn để đầu tư tuyến đường này. Tuy nhiên vào năm 2026, địa phương mới tiếp cận được nguồn vốn này. Bà Huỳnh Thị Lành cho biết thêm, trong thời gian chờ đầu tư, chính quyền xã sẽ thường xuyên dặm vá những chỗ hư hỏng trên đường để người dân đi lại bớt khó khăn.
Như vậy, trong 2 năm tới, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã vẫn phải tiếp tục chịu ảnh hưởng trên con đường ngập nước này và chưa thể thoát cảnh lội bì bõm trên tuyến đường để mưu sinh và đưa con đi học từ 2, 3 giờ sáng.