Đường liên xã xuống cấp nghiêm trọng, ngày mưa biến thành bãi lầy

Theo ông Đoàn Mạnh Hoạch, Bí thư Chi bộ thôn Yên Thành, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái), đoạn đường liên xã dài gần 4 km, nối từ Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hưng Thịnh đến thôn 6 xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên hiện xuống cấp nghiêm trọng.

Nguyên nhân là do người dân không thực hiện chủ trương bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" (huyện Trấn Yên đầu tư 60%, nhân dân đóng góp 40% tiền để cứng hóa đoạn đường này bằng đổ bê tông). Mặt khác, do đã nhiều năm, huyện Trấn Yên không bố trí được vốn để đầu tư sửa chữa nên đoạn đường này mới xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay. 

Chú thích ảnh
Người dân thôn Yên Thành, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) khổ sở khi đi qua đoạn đường này. 

Chứng kiến cảnh lầy lội của đoạn đường, không ít người cho rằng đây không còn là đường giao thông nữa, bởi rất nhiều đoạn mặt đường đã biến dạng thành bãi đất lầy, người đi bộ còn vất vả mới di chuyển được, các phương tiện giao thông không thể đi lại được trên đoạn đường này.

Cụ Nguyễn Ngọc Lộng, 74 tuổi, ở thôn Yên Thành nhớ lại: Năm 1974, khi gia đình cụ từ Nam Định lên xây dựng vùng kinh tế mới ở xã Hưng Thịnh. Cùng thời điểm này, Nhà nước đầu tư xây dựng con đường. Tuyến đường xuất phát từ Km 21 Quốc lộ 13A (nay gọi là Quốc lộ 37) đi đến gần trụ sở UBND xã bây giờ chia hai nhánh, một nhánh chạy ra cổng Trường Trung học Phổ thông Hưng Khánh, còn nhánh này chạy thẳng lên Km 32, Quốc lộ 37, gần Trại giam Hồng Ca (thuộc địa phận xã Hưng Khánh).

Ngày ấy, việc duy tu, bảo dưỡng toàn tuyến đường này là do một Cung giao thông với hàng chục cán bộ, công nhân đóng tại địa bàn đảm nhiệm. Đến khoảng trước năm 1990, toàn bộ cán bộ, công nhân của Cung giao thông chuyển đi, Đội Giao thông và Dịch vụ huyện Trấn Yên khoán cho công nhân bảo dưỡng. Do được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên mặt đường khá bằng phẳng, người dân đi lại dễ dàng. 

Năm 2010, Công ty Khoáng sản Hòa Yên khai thác mỏ sắt ở thôn Cận Thượng đã dùng ô tô vận chuyển quặng chạy qua đường. Sau một thời gian, đường bị hư hại rất nhiều. Lúc đó, người dân trong thôn phản ứng bằng cách rào đường không cho xe chạy qua nữa. UBND huyện Trấn Yên đã yêu cầu UBND xã Hưng Thịnh họp dân trong thôn lại để giải quyết. Kết quả là dân mở rào cho xe chạy, Công ty Hòa Yên phải chịu trách nhiệm thường xuyên sửa chữa những đoạn đường đã hỏng. 

Năm 2013, Công ty Khoáng Sản Hòa Yên dừng không khai thác mỏ nữa, cũng là lúc đoạn đường không được huyện Trấn Yên đầu tư để duy tu bảo dưỡng. Mỗi khi mưa xuống, mặt đường bị xói mòn dần tạo thành những sống trâu, ổ voi, ổ gà, đi lại rất nguy hiểm. Thấy vậy, UBND xã Hưng Thịnh đã giải quyết tình thế bằng cho xe đổ đất vào chỗ trũng rồi lu lèn cho phẳng. Nhưng do sửa chữa tạm thời, chỉ được một thời gian ngắn mưa to xuống, đường đã trở lên lầy lội như ngày nay.

Bà Đỗ Thị Hồng ở Thôn Yên Thành cho biết, ngày trước, người dân ở đây đi xe máy lên Km 32 chỉ mất chừng 10 phút, bây giờ muốn đi phải vòng xa hơn chục cây số mất gần một tiếng mới lên được.

Chú thích ảnh
Người dân thôn Yên Thành, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) gặp khó khăn trong việc đi lại mỗi khi trời mưa.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Gia Hồng, Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh cho biết: Đây là con đường liên xã, nhưng do khó khăn về kinh phí, nhiều năm nay, huyện không đầu tư để duy tu bảo dưỡng được, đường mới xuống cấp như thế. Năm 2018, xã đã xin huyện được kinh phí đầu tư 1km (1/2 chiều dài của đoạn đường trong phạm vi xã Hưng Thịnh) theo phương châm: Nhà nước đầu tư 60%, nhân dân đóng góp 40% để làm đường. Tuy nhiên, khi vận động, một số hộ dân không đóng góp với lý do: Đường liên xã, huyện phải đầu tư 100% vốn để sửa chữa, yêu cầu nhân dân đóng góp như đường giao thông nông thôn là không đúng. Cuối cùng, UBND xã Hưng Thịnh phải trả lại nguồn đầu tư 60% cho UBND huyện Trấn Yên.

Cuối năm 2019, xã đã vận động được người dân trong thôn thống nhất triển khai đóng góp xây dựng đường bê tông qua thôn Yên Thành với mức 1,3 triệu đồng/hộ. Theo đó, tổng có 123 hộ, trong đó có 105 hộ đồng thuận đóng góp xây đường bê tông, còn 3 hộ không đồng ý và 15 hộ vắng họp. Hiện nay, thôn đã thu được hơn 150 triệu đồng, chờ đến khi thu đủ sẽ báo cáo huyện để xin vốn đầu tư bê tông hóa đoạn đường này.

Tương tự như thôn Yên Thành xã Hưng Thịnh, tại thôn Ngọn Đồng, xã Hưng Khánh (nơi giáp gianh giữa thôn Yên Thành, xã Hưng Thịnh) cũng còn hơn 1 km đường đã xuống cấp trong tình trạng tương tự. Nhân dân thôn Ngọn Đồng đã gửi đơn lên xã Hưng Khánh đề nghị xã làm rõ đây là đường liên xã hay đường giao thông nông thôn? 

Trả lời đơn khiếu nại của nhân dân thôn Ngọn Đồng về việc đường đi qua thôn do huyện hay xã quản lý, Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh Trần Văn Tam đã ký công văn cho biết, Tuyến đường từ quốc lộ 37 đi qua địa bàn thôn Khe Cam và thôn Ngọn Đồng của xã Hưng Khánh đến xã Hưng Thịnh hiện nay là đường do UBND xã Hưng Khánh quản lý. 

Cũng tại công văn này, Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh còn khẳng định: Năm 2020, UBND xã tiếp tục đăng ký làm đường giao thông nông thôn với UBND huyện Trấn Yên, đề nghị cấp ủy cơ sở và nhân dân thôn Ngọn Đồng tiếp tục đăng ký chương trình để sớm được tổ chức thực hiện việc cứng hóa đường giao thông nông thôn của xã.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Trần Đông, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: Do khó khăn về kinh phí, huyện Trấn Yên chưa thể đầu tư 100% để sửa chữa con đường trên theo đúng tiêu chuẩn đường liên xã được. Hiện nay, UBND huyện Trấn Yên đã có chủ trương vận động nhân dân để cứng hóa đường giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn 60-40, đến khi nào thôn thu đủ tiền của dân đóng góp khi đó huyện sẽ tiến hành đầu tư để cứng hóa đoạn đường này.

Tin, ảnh: Đức Tưởng (TTXVN)
Bức xúc đường liên xã hơn 5km tại Hà Tĩnh dày đặc 'ổ voi'
Bức xúc đường liên xã hơn 5km tại Hà Tĩnh dày đặc 'ổ voi'

Hiện nay, tuyến đường liên xã chạy qua địa bàn 3 xã là: Xuân Hải, Xuân Yên và Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có chiều dài hơn 5km đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân là do xe ô tô chở vật liệu quá trọng tải thường xuyên lưu thông qua đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN