Olympic Tokyo 2020 - Ý chí vượt dich bệnh và những câu chuyện truyền cảm hứng

Tối 23/7, Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra sau 1 năm bị trì hoãn vì dịch bệnh. Thế vận hội lần này được tổ chức với rất nhiều điểm khác biệt so với các kỳ đại hội thể thao thế giới từng diễn ra trong lịch sử.

Quyết tâm của người Nhật Bản

Do sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, Olympic Tokyo 2020 đã bị hoãn lại 1 năm so với kế hoạch tổ chức ban đầu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Thế vận hội đã bị hoãn và lên lịch lại song vẫn giữ tên Olympic Tokyo 2020 thay vì bị hủy bỏ. Bên cạnh đó, Tokyo cũng là thành phố đầu tiên ở châu Á tổ chức 2 kỳ Olympic (lần đầu vào năm 1964).

Chú thích ảnh
Olympic Tokyo 2020 sẽ không cho người hâm mộ vào sân theo dõi các các VĐV thi đấu. Ảnh: AFP/TTXVN

Olympic Tokyo 2020 là kỳ Thế vận hội có số lượng môn thi lớn nhất nhất từ trước tới nay với 33 môn, 339 nội dung thi đấu.

Tại Olympic lần này, có tổng số 206 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tham dự, trong đó, đoàn thể thao Bắc Macedonia lần đầu tiên góp mặt. Sẽ có 2 đoàn thể thao đặc biệt, đó là đoàn thể thao trung lập gồm 333 VĐV người Nga và đoàn thể thao người tị nạn (29 VĐV). Cả hai đoàn đều phải đứng ngoài cuộc đua huy chương. Theo phán quyết của Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS), VĐV của Nga được tham dự giải đấu, nhưng không được sử dụng tên nước, quốc kỳ hoặc quốc ca Nga và phải thể hiện mình là "Vận động viên trung lập".

Trong khi đó, với đoàn thể thao người tị nạn, được có mặt tại Olympic đã là một chiến tích của những VĐV đến từ nhiều quốc gia như Syria, Congo, Nam Sudan, Iran, Afghanistan... Các VĐV tị nạn có thể không giành được huy chương, nhưng sự hiện diện của họ tại Olympic đã là những câu chuyện truyền cảm hứng.

Chú thích ảnh
Nhật Bản đã rất nỗ lực cho một kỳ Thế vận hội thành công. Ảnh: AFP/TTXVN

Olympic 2016 đã đánh dấu sự ra đời của đoàn thể thao người tị nạn với tổng cộng 10 VĐV. Dù không đông và không đạt được thành tích đáng kể, nhưng sức hút của thành viên đoàn thể thao đặc biệt này chẳng kém gì so với các ngôi sao hàng đầu thế giới.

Người dân Tokyo đang hào hứng đón chờ ngày khai mạc Thế vận hội Olympic, dù không khí của sự kiện thể thao lớn nhất hành tình này có phần vắng lặng do Ban tổ chức không cho người hâm mộ vào sân theo dõi các các VĐV thi đấu.

Olympic không chỉ là cuộc đua về sức mạnh, thể lực mà còn mang ý nghĩa biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, hòa bình của toàn nhân loại. Olympic Tokyo 2020 vẫn diễn ra trước sự tấn công của dịch COVID-19, một lần nữa cho thấy ý chí của nước chủ nhà Nhật Bản cũng như tinh thần các nước tham dự Thế vận hội quyết tâm vượt qua bệnh dịch của nhân loại.

Đoàn thể thao Việt Nam quyết tạo dấu ấn

Đoàn thể thao Việt Nam có 18 vận động viên tham dự, tranh tài ở 11 môn thể thao. Trưởng đoàn Trần Đức Phấn khẳng định mục tiêu tại Olympic 2020 là giành thành tích cao nhất các môn thể thao.

Chú thích ảnh
Mục tiêu tại Olympic 2020 là giành thành tích cao nhất các môn thể thao. Ảnh: Thu Sâm/Đoàn TTVN

Như lời phát biểu chỉ đạo Đoàn Thể thao Việt Nam tại Lễ xuất quân của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, toàn thể cán bộ, huấn luyện viên, VĐV của Đoàn TTVN thực hiện đầy đủ trách nhiệm cũng như niềm vinh dự được Tổ quốc giao phó để nỗ lực thi đấu với quyết tâm cao nhất, vì màu cờ sắc áo, phát huy tối đa những tố chất của người Việt Nam, đồng thời đề cao sự trung thực với tinh thần thể thao cao thượng. Gương mẫu, đoàn kết trong sinh hoạt và trong thi đấu; tôn trọng phong tục, tập quán và tuyệt đối tuân thủ luật pháp của nước chủ nhà cũng như các quy định của Đại hội.

Từng giành được tổng cộng 5 huy chương qua 9 lần dự Olympic kể từ năm 1980, thể thao Việt Nam hy vọng có thêm tấm huy chương ở đấu trường lớn năm nay. Tại Olympic Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh từng giành 1 HCV, 1 HCB môn bắn súng. Đó là kỳ tích lịch sử của thể thao Việt Nam. Anh tiếp tục là niềm hi vọng tại Olympic Tokyo 2020. Đây cũng chính là lần đầu tiên Việt Nam có VĐV góp mặt với tư cách nhà ĐKVĐ.

Niềm hy vọng có huy chương tại Olympic Tokyo 2020.cũng được đặt vào taekwondo, nơi võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền ở hạng cân dưới 49kg nữ tranh tài. 21 năm trước, taekwondo đã đem về cho thể thao Việt Nam chiếc huy chương Olympic đầu tiên với HCB của nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân tại Olympic Sydney (Australia). Và giờ đây, Kim Tuyền lại được kỳ vọng sẽ tái lập được thành tích của đàn chị sau bao kỳ Olympic trắng tay của taekwondo Việt Nam. Với sự đầu tư và chuẩn bị thật nghiêm túc, Kim Tuyền đang lạc quan có thể giành huy chương lịch sử.

Chú thích ảnh
Cử tạ, bắn súng và taekwondo đang được kỳ vọng giành huy chương. Ảnh: Thu Sâm/Đoàn TTVN

Cử tạ cũng mang lại niềm tin cho thể thao Việt Nam tại Olympic lần này. Sáng giá nhất chính là nữ lực sĩ Hoàng Thị Duyên, người được nhận định có thể tranh chấp quyết liệt với nhà vô địch châu Á Kou Hsing-chun ở hạng 59 kg.

Á quân Asian Games 2018 Thạch Kim Tuấn cũng được đánh giá là đối thủ xứng tầm của Li Fabin (Trung Quốc) và Eko Yuli Irawan (Indonesia) trong việc tranh chấp các thứ hạng cao nhất ở hạng 61 kg nam khi lực sĩ "bất khả chiến bại" Om Yun-chol (CHDCND Triều Tiên) không thể góp mặt.

Với nhiều nỗ lực của cá nhân các VĐV cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ngành thể thao, đoàn Thể thao Việt Nam được kỳ vọng tạo ra dấu ấn trong kỳ đại hội đặc biệt diễn ra trong năm 2021.

L. Sơn/Báo Tin tức
Chờ hotgirl bắn cung ‘mở hàng bất ngờ’ cho đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic
Chờ hotgirl bắn cung ‘mở hàng bất ngờ’ cho đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic

Lúc 9 giờ 30 phút sáng mai (ngày 23/7, giờ địa phương), cô gái xinh đẹp của đội tuyển bắn cung quốc gia Đỗ Thị Ánh Nguyệt "lĩnh ấn" tiên phong thi đấu cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN