Lần này, bỏ tiền ra mua cô là kẻ bạo hành khét tiếng. Muklesha cho biết: "Ông ta không cho tôi ăn, lôi tôi ra cánh đồng rồi nhét bùn vào miệng tôi và sau đó đánh đập tôi”.
Theo tài liệu điều tra thực trạng “Cô dâu nô lệ tại Ấn Độ”, Muklesha chỉ là một trong số hàng nghìn trẻ em gái và phụ nữ đang bị buôn bán phục vụ mục đích hôn nhân ở Ấn Độ. Cả đời họ bị lạm dụng và bạo hành.
Tại Ấn Độ, người dân thích sinh con trai hơn là con gái nên tình trạng lựa chọn giới tính, phá bỏ thai nhi khi biết là nữ đã tạo ra sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Tình trạng thiếu phụ nữ ở quốc gia này đang tạo ra một mối hiểm họa vô cùng lớn cho phụ nữ khi đàn ông chấp nhận lấy vợ bằng mọi giá, nhất là ở bang Haryana, của Ấn Độ. Nắm bắt được nhu cầu này, những kẻ buôn người đã bắt cóc phụ nữ từ các vùng khác và bán lại cho đàn ông nơi đây.
Nhiều phụ nữ Ấn Độ bị buôn bán như đồ vật. |
Theo kết quả điều tra 10.000 gia đình tại phía bắc bang Haryana, có hơn 9.000 phụ nữ ở đây đến từ các vùng khác nhau của Ấn Độ. Theo Al Jazeera, một số phụ nữ đang sinh sống tại các ngôi làng ở Haryana đã bị mua đi bán lại tới ba lần.
Một cô bé tên là Sanjida bị bán đến Haryana khi cô chỉ mới 10 tuổi. Sanjida cho biết cô đã bị một cô gái lớn tuổi hơn, sống gần nhà cô ở phía đông bắc bang Assam đánh thuốc mê và bắt cóc. "Người ta bắt tôi làm mọi việc đồng áng như: chăn bò, cắt cỏ và nhiều việc khác, giam cầm tôi trong suốt bốn năm. Tôi đã khóc suốt một năm ròng rã. Cuối cùng tôi bị bán làm vợ cho một người đàn ông”, Sanjida cho biết.
Thế nhưng, Sanjida vẫn còn may mắn hơn nhiều phụ nữ Ấn Độ bị mua bán phục vụ mục đích hôn nhân. Sanjida cho biết chồng cô đã luôn đối xử tốt với cô và hiện nay Sanjida làm việc cho một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ các phụ nữ gặp khó khăn.
Haryana nói: "Mọi người tại Haryana luôn khinh thường những phụ nữ như chúng tôi. Họ cho rằng chúng tôi không đáng để coi trọng, và rằng chúng tôi là thứ hàng hóa bị mua bán như súc vật. Cũng như họ, chúng tôi là công dân của Ấn Độ, nhưng chúng tôi lại bị đối xử thậm tệ như vậy, chúng tôi rất buồn”.
Narender Singh, một thẩm phán tại Haryana cho biết sau khi được giải thoát, việc đâm đơn kiện những gã chồng vũ phu mà những “cô dâu bắt đắc dĩ” có ý định làm cũng gần như không thể thực hiện được. Các cô gái được đưa đến tòa để lật tẩy những kẻ buôn người. Tuy nhiên, những kẻ này thường là những kẻ có quyền lực trong xã hội và có nhiều thế lực bao che cho các hoạt động xấu xa của chúng. Trong những trường hợp như vậy, các cô gái khó có thể trung thành bảo vệ lời khai trước đó của mình. Phụ nữ ở đây không có các quyền lợi tối thiểu, kể cả quyền thừa kế.
Poonam Muttreja, Giám đốc điều hành Quỹ Dân số của Ấn Độ nhận xét nạn buôn bán cô dâu phản ánh sự thiếu văn hóa trong việc tôn trọng đối với phụ nữ. Đây không chỉ là vấn đề liên quan đến việc lựa chọn giới tính hay nạo phá thai, đây là vấn đề nhân văn đối với các bé gái, xã hội đã không coi trọng phẩm giá của phụ nữ nơi đây.
Chính phủ Ấn Độ đang trong quá trình xây dựng dự thảo luật đầu tiên về chống buôn bán người. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng nó sẽ không đủ sức để ngăn chặn nạn buôn bán cô dâu. Nếu các chuẩn mực xã hội và cách nhìn nhận phụ nữ không được thay đổi, sẽ không bao giờ thay đổi được tình trạng mất cân bằng giới tính và sự khinh miệt phụ nữ hiện nay.