Trào lưu tự kết hôn với chính mình ở Hàn Quốc

Trào lưu tự kết hôn với bản thân (sologamy) đã trở thành một xu hướng với một bộ phận phụ nữ Hàn Quốc.

Chịu nhiều áp lực xã hội, một bộ phận người Hàn Quốc chọn xu hướng tự kết hôn với bản thân để tôn vinh và trân trọng bản thân. Điều này phản ánh thay đổi trong quan điểm về hôn nhân và mối quan hệ, khi người ta đánh giá cao sự tự lập và tự chủ cá nhân. 

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Korean Times

Một trong số đó là Kim Seul-ki, một phụ nữ Hàn Quốc 39 tuổi vừa thông báo đã kết hôn với bản thân trong một lễ cưới. Cô Kim nằm trong số sáu nhân viên tại chi nhánh Hàn Quốc của nhà bán lẻ mỹ phẩm Lush Korea (Anh) nhận được phúc lợi "tự kết hôn" của công ty vào năm 2022.

Các phúc lợi bao gồm tiền thưởng đặc biệt 500.000 won (khoảng hơn 10 triệu đồng) và kỳ nghỉ 10 ngày để hưởng tuần trăng mật một mình, không khác gì những quyền dành cho những người bước vào hôn nhân bình thường.

Trong khi tỷ lệ kết hôn tiếp tục giảm ở Hàn Quốc, số lượng cá nhân theo xu hướng tự kết hôn (tự phối) lại tăng, mặc dù không có dữ liệu chính thức.

Yêu bản thân là tinh thần chính của đám cưới kiểu này nhưng văn hóa tặng tiền mặt trong lễ cưới ở Hàn Quốc là chất xúc tác không thể phủ nhận đằng sau xu hướng này.

Mặc dù những món quà này được tặng với mục đích tốt nhưng người tặng vẫn ngầm mong đợi sẽ nhận lại khi mình kết hôn.

Điều này diễn ra bình thường khi tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc cao, nhưng xuất hiện vấn đề khi tỷ lệ kết hôn giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vài năm qua.

Nhân vật truyền hình Hàn Quốc và YouTuber Jaejae, tên thật là Lee Eun-jae và cũng là người đã tự tổ chức đám cưới tự phối, cho biết đám cưới tự phối thường được coi là cách để những người độc thân bù lại số tiền mà họ đã chi trước đây cho đám cưới của người quen.

Chú thích ảnh
Tặng tiền mặt trong đám cưới là một phần trong văn hoá Hàn Quốc. 

Giáo sư Suh Yi-jong, giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: “Trước đây, văn hóa tặng tiền mặt được áp dụng vì lợi ích chung trong xã hội”.

Tuy nhiên, khi số lượng hộ gia đình độc thân hoặc chưa kết hôn tăng và lạm phát gia tăng, nhiều người bắt đầu tin rằng truyền thống này không còn mang lại lợi ích chung nữa.

Một cuộc khảo sát 36.000 công dân của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố vào năm 2022 cho thấy 36,4% số người được hỏi từ 19 đến 34 tuổi có “nhận thức tích cực” về hôn nhân tính đến cuối năm 2022, giảm 20,1 điểm phần trăm so với mức 56,5% của năm 2012.

Tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc lại chứng kiến một mức thấp kỷ lục khác vào năm 2022. Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố trước đó vào năm 2023 cho thấy, khoảng 192.000 cặp đôi kết hôn vào năm 2022, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm trước.

Con số này là thấp nhất kể từ năm 1970, khi cơ quan thống kê bắt đầu tổng hợp dữ liệu liên quan, đánh dấu năm suy giảm thứ 11 liên tiếp.

Lush Korea đã đưa ra phúc lợi dành cho người tự kết hôn vào tháng 6/2017 để đảm bảo rằng tất cả nhân viên, kể cả những người chọn không kết hôn, đều được tham gia vào chương trình phúc lợi của công ty. “Phúc lợi này đại diện cho văn hóa đề cao sự đa dạng và hòa nhập của công ty. Lối sống của mọi người đều được tôn trọng”, người phát ngôn của công ty Jeon Ha-na cho biết.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều công ty Hàn Quốc làm theo. Vào tháng 9/2022, cửa hàng bách hóa Lotte bắt đầu tặng tiền mặt và kỳ nghỉ tương tự cho những nhân viên chưa lập gia đình từ 40 tuổi trở lên giống như những nhân viên sắp kết hôn.

Người phát ngôn của Lotte cho biết: “25 nhân viên đã đăng ký nhận quyền lợi tự phối trong vòng ba tháng kể từ khi chúng tôi áp dụng chương trình này. Xu hướng này đang trở nên rất phổ biến đối với những nhân viên ở độ tuổi 40 và 50, những người không muốn kết hôn”.

LG Uplus đã áp dụng biện pháp tương tự vào tháng 1/2023, áp dụng với độ tuổi tối thiểu là 38.

Tuy nhiên, bên ngoài những công ty này, đám cưới tự phối vẫn chưa phổ biến.

Special Day 2014, một công ty tổ chức sự kiện, cho biết họ vẫn chưa nhận được yêu cầu hỗ trợ tổ chức đám cưới tự phối dù đã tung ra gói dịch vụ này vào đầu năm 2022. Người phát ngôn của công ty cho biết qua điện thoại: “Chúng tôi đã quảng cáo tổ chức đám cưới tự phối từ đầu năm ngoái, nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào”.

Trở lại với cô Kim, cô chia sẻ dù hài lòng với lễ cưới của mình nhưng cô lại nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ bạn bè và gia đình. Cô nói: “Một số người nói rằng họ tôn trọng và thậm chí ghen tị với quyết định của tôi, trong khi những người khác nói rằng ‘còn quá sớm’ để tôi đưa ra cam kết như vậy. Nhưng cuối cùng, tôi nghĩ tất cả chỉ là tìm kiếm hạnh phúc với tư cách một cá nhân".

Trào lưu này đặt ra câu hỏi về cách mà xã hội hiện đại đang thay đổi, tập trung vào sự tự lập và chủ động cá nhân. Nhưng hơn hết, "tự kết hôn" ở Hàn Quốc là một lời khẳng định về giá trị cá nhân và sự tự tin. Những người chọn con đường này không chỉ là những người độc lập về tài chính mà còn là những người muốn chấp nhận và yêu thương bản thân mình trước hết.

Nhật Linh/ Báo Tin Tức (Theo Straitstimes)
Trung Quốc: Tỉ lệ kết hôn giảm nghiêm trọng đe doạ ngành dịch vụ cưới hỏi
Trung Quốc: Tỉ lệ kết hôn giảm nghiêm trọng đe doạ ngành dịch vụ cưới hỏi

Trên khắp Trung Quốc vào năm ngoái, chỉ có 6,8 triệu cặp đôi kết hôn, ít hơn 800.000 cặp so với năm 2021. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu công bố dữ liệu vào năm 1986.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN