Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, BRT ở Jakarta, được gọi là TransJakarta, được đưa vào sử dụng từ năm 2004 nhằm tạo ra một hệ thống giao thông công cộng tiện lợi với giá thành rẻ và khuyến khích người dân giảm sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giảm lưu lượng giao thông, nhất là trong các khung giờ cao điểm.
Hiện nay, toàn thành phố Jakarta có khoảng hơn 500 xe hoạt động trong khung giờ phổ biến từ 5h đến 22h, một số tuyến đặc biệt thậm chí chạy suốt ngày đêm. TransJakarta đã "phủ sóng" tới khắp các khu vực của thủ đô bao gồm 12 tuyến chính với hơn 200 trạm dừng đón trả khách. Mỗi xe buýt có thể chở tối đa lên đến 80 hành khách, dù chỉ có 30 chỗ ngồi nhưng có khoang đứng khá rộng.
Các trạm dừng đỗ trong hệ thống xe bus này được bố trí cùng bên với làn đường riêng, liên thông với nhau bằng đường dành cho người đi bộ và mỗi trạm đều được kết nối với hệ thống cầu sang đường. Tất cả các trạm đều xây cao, cách mặt đường khoảng 1mét, phù hợp với thiết kế của xe bus trong hệ thống TransJakarta. Thiết kế này cũng nhằm đảm bảo xe bus không thể đón, thả khách dọc đường.
Thực tế giao thông ở Jakarta cho thấy, những chiếc xe bus lớn 2 khoang trong hệ thống TransJakarta hiệu quả nhất là vào giờ cao điểm bởi chúng được thiết kế làn đường riêng với dải phân cách cao, ngăn không cho các phương tiện khác lấn làn. Ngoài ra, mức phạt đối với các phương tiện lấn làn của xe bus rất cao, điều này đã giúp cho hoạt động của xe bus thực sự hiệu quả trong giờ cao điểm.