Thần tượng ảo - tương lai của ngành công nghiệp K-pop?

Ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc (K-pop) đã mở rộng bước tiến ra thị trường thế giới cùng với những thần tượng được đào tạo bài bản và lượng người hâm mộ hùng hậu. Giờ K-pop lại mạo hiểm bước vào vũ trụ ảo (metaverse) bằng cách tạo ra một thế hệ thần tượng kiểu mới.

Chú thích ảnh
Bốn thành viên trong nhóm MAVE. Ảnh: Metaverse Entertainment

Theo hãng thông tấn Yonhap, vài năm gần đây, những nhân vật siêu thực được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng chiếm ưu thế trong nền âm nhạc của “xứ kim chi”, phù hợp với sự phát triển của công nghệ thực tế hỗn hợp cũng như mối quan tâm dành cho các nền tảng metaverse.

Khái niệm thần tượng ảo không hoàn toàn mới mẻ tại Hàn Quốc. Năm 1998, ca sĩ ảo đầu tiên mang tên Adam ra mắt làng nhạc. Nhưng Adam chỉ tồn tại ngắn ngủi vì chất lượng hình ảnh thấp trong khi chi phí phát triển quá cao. Hai thập kỷ sau đó, nhóm nhạc nữ K/DA lấy cảm hứng từ các nhân vật trong trò chơi điện tử cũng “chào sân”. Song, không ai trong số họ có thể thành công.

Sau sự thăng trầm của một số ca sĩ ảo, các dự án sau đó cũng thu hút được nhiều sự chú ý hơn nhờ cách xây dựng hình ảnh nhân vật siêu thực và nội dung chất lượng hơn. Xu hướng này sẽ phát triển vươn xa hơn nữa trong bối cảnh các công ty giải trí và công ty công nghệ chuẩn bị ra mắt những thần tượng ảo mới, đồng thời kết hợp với nhiều loại hình giải trí, bao gồm âm nhạc, truyện tranh trực tuyến webtoon, trò chơi điện tử và thời trang.

Đầu năm 2023, tập đoàn giải trí Metaverse Entertainment của Hàn Quốc công bố dự án nhóm nhạc nữ ảo đầu tiên của họ với tên gọi MAVE, viết tắt của “Make New Wave”, hay “Tạo ra làn sóng mới”. Thoạt nhìn, MAVE giống như bất kỳ nhóm nhạc thần tượng nào khác, ngoại trừ việc họ chỉ là sản phẩm trực tuyến.

Bốn thành viên Siu, Zena, Tyra và Marty sống trong metaverse. Bài hát, vũ đạo, giao lưu với người hâm mộ, trả lời phỏng vấn hay thậm chí là kiểu tóc của họ đều do các nhà thiết kế web và AI làm ra.

Sau hai tháng, video đầu tay của bộ tứ MAVE đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi với gần 20 triệu lượt xem trên nền tảng Youtube, hứa hẹn cơ hội trở thành thần tượng toàn cầu. Nhóm này đã hai lần biểu diễn tại chương trình âm nhạc của đài MBC và đã tạo ra các thử thách vũ đạo trên các nền tảng mạng xã hội, trong đó có cả TikTok.

“Lần đầu xem MAVE biểu diễn, tôi cảm thấy khá bối rối khi phải phân biệt liệu họ là người thực hay nhân vật ảo. Vì tôi thường xuyên sử dụng các nền tảng metaverse cùng với bạn bè nên tôi dám chắc mình sẽ trở thành người hâm mộ của họ”, anh Han Su-min, 19 tuổi, sống tại thủ đô Seoul chia sẻ.

Nhóm nhạc nữ ảo này đã mang đến cái nhìn ban đầu về cách vũ trụ ảo có thể tiến hóa khi ngành giải trí và công nghệ ở Hàn Quốc bắt tay hợp tác trong lĩnh vực non trẻ này. Với sự hỗ trợ của bộ tạo giọng nói AI, bốn thành viên MAVE có thể nói bốn thứ tiếng Hàn, Anh, Pháp và Indonesia. Nhưng họ không thể chủ động nói mà phải dựa theo các kịch bản do con người chuẩn bị.

Chú thích ảnh
Dàn dựng hậu kỳ của nhóm nhạc MAVE. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia cho rằng đại dịch COVID-19 đã hỗ trợ sự phát triển của những nhân vật ảo như vậy, trong bối cảnh nhiều công ty K-pop chuyển hướng sang nội dung trực tuyến để thỏa mãn người hâm mộ tại gia.

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Lee Jong-im tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết: “Người hâm mộ đã làm quen với việc xem biểu diễn và giao tiếp không trực tiếp với các nhóm nhạc thần tượng của họ trong gần ba năm. Có vẻ như họ đã dần chấp nhận khái niệm rằng các nhóm nhạc thần tượng ảo và thực tế có thể hòa nhập”.

Trong khi các nhóm thần tượng ảo như MAVE đang trở thành tâm điểm chú ý vì sự mới lạ của nhóm, thì vẫn còn đó câu hỏi liệu rằng họ có thể sánh được với các ban nhạc nổi tiếng hay không. Liệu họ có thể xây dựng một cơ sở người hâm mộ trung thành và thâm nhập vào thị trường phổ thông, hay sẽ tan biến khi cảm giác mới lạ không còn nữa?

Phó giáo sư văn hóa Lee Gyutag tại Đại học George Mason Hàn Quốc cho rằng vì ca sĩ ảo sẽ di chuyển chính xác như cách họ được tạo ra, nên không có bất kỳ sự khó đoán nào. Do đó, họ sẽ trở thành thứ gì đó gần với công nghệ video chứ không phải K-pop.

Lee Sang-eun, một người hâm mộ K-pop cuồng nhiệt, cho biết: “MAVE có hình ảnh tuyệt đẹp và các bài hát rất hay. Thật tuyệt, nhưng tôi không chắc liệu những nhân vật hoàn hảo đó có thể là tương lai của K-pop hay không. Người hâm mộ yêu thích những nghệ sĩ không hoàn hảo, có khuyết điểm, những người đôi khi trở nên khó đoán và làm những điều điên rồ”.

Tuy nhiên, những người sáng tạo của MAVE và nhân vật trong ngành giải trí lại rất lạc quan về tiềm năng của họ. “Với rất nhiều bình luận gửi về từ khắp nơi trên thế giới, tôi nhận ra rằng người xem muốn một cái gì đó mới mẻ và họ khá cởi mở đón nhận”, ông Roh Shi-yong, nhà sản xuất chương trình ca nhạc trên đài truyền hình địa phương MBC cho biết.

Đối với các “ông lớn” K-pop vận hành các hệ thống đào tạo thế hệ thần tượng mới, lợi thế của thần tượng ảo là rất rõ ràng. Họ không già đi, không dính bê bối và luôn làm bất cứ điều gì theo lời của người điều khiển.

“Vụ lùm xùm của các ngôi sao thật có thể mang tính giải trí, nhưng nó cũng là rủi ro đối với doanh nghiệp”, bà Park Jieun, Giám đốc quản lý của một nhóm nhạc ảo khác mang tên Eternity, lý giải. Bà tin rằng công nghệ mới này có thể phát huy hiệu quả, cũng như giảm thiểu rủi ro cho các nghệ sĩ K-pop đang phải chịu áp lực quá sức.

Trong những năm qua, K-pop đã trở thành cơ sở phát sinh nhiều vấn đề xã hội khác nhau, từ tin đồn hẹn hò cho đến bắt nạt trực tuyến của các thành viên ban nhạc. Điều này cũng đã dẫn đến cuộc tranh luận về sức khỏe tâm thần của người nổi tiếng, sau cái chết bi thảm của nhiều ngôi sao K-pop trẻ tuổi, mà nhiều người tin rằng đã có tác động đáng kể đến những người theo dõi họ.

Còn với những thần tượng thật đang chăm chỉ suốt ngày đêm để tập luyện, biểu diễn và tương tác với người hâm mộ của họ, thần tượng ảo khiến họ cảm thấy bất công.

Han Yewon, 19 tuổi, là giọng ca chính của nhóm nhạc nữ mới ra mắt tại Hàn Quốc. Cô đã trải qua gần 4 năm làm thực tập sinh, chờ đợi cơ hội được bước vào ánh đèn sân khấu, cũng là một trong nhiều ứng viên phải làm bài đánh giá năng lực hàng tháng. Những người không thể hiện đủ tiến bộ sẽ phải ra về.

“Tôi đi làm vào khoảng 10 giờ sáng và khởi động giọng hát trong một giờ. Sau đó, tôi hát trong 2 - 3 tiếng, rồi nhảy 3 - 4 tiếng và tập thể dục thêm 2 tiếng nữa”, Yewon tâm sự. Trở thành một ngôi sao K-pop không dễ ngay sau một đêm. Với việc các nhóm mới liên tục ra mắt hàng năm, thật khó để trở nên nổi bật.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Xe tải không người lái Kamaz bắt đầu được thử nghiệm trên cao tốc ở Nga
Xe tải không người lái Kamaz bắt đầu được thử nghiệm trên cao tốc ở Nga

Ngày 14/6, 3 xe tải thương mại không người lái Kamaz đã bắt đầu được thử nghiệm trên tuyến đường cao tốc M-11 Neva nối St. Petersburg với thủ đô Moskva của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN